Lo ngại mức thuế mới, nhà nhập khẩu Mỹ tăng tốc nhập hàng dệt may Việt Nam

Lo ngại mức thuế mới, nhà nhập khẩu Mỹ tăng tốc nhập hàng dệt may Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Một số doanh nghiệp trong ngành dệt may trong nước cho hay họ đang phải chạy đua với thời gian để hoàn thành đơn hàng ở thị trường Mỹ sớm hơn so với kế hoạch. Việc tăng tốc này đã bắt đầu ngay sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống.
Sản xuất tại VitaJean. Ảnh: website DN
Chạy đua để kịp sản xuất cho khách hàng Mỹ
Người lao động tại xưởng may của Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đang tất bật làm nhanh đơn hàng sản xuất để kịp giao cho các khách hàng ở thị trường Mỹ trước khi khép lại năm 2024.
Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT VitaJean, sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống thì có hai khách hàng ở nước này yêu cầu đẩy nhanh việc giao hàng trước năm 2025. Nguyên nhân được cho là các khách hàng ở nước này lo ngại thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sẽ bị áp cao khi tân ông Trump chính thức điều hành ở Nhà Trắng.
Theo giải thích của ông Việt, sản phẩm may mặc của VitaJean làm ra xuất sang thị trường Mỹ hiện có 30-35% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và thông tin về nguyên liệu sản xuất được công ty cập nhật chi tiết với khách hàng.
Trong quá trình tranh cử, tân Tổng thống Mỹ đã từng đề xuất áp thuế với hàng nhập từ Trung Quốc lên 60%, theo ông Việt, điều này có thể khiến các khách hàng ở Mỹ muốn đẩy nhanh việc nhập hàng hóa.
"Khi đơn hàng sản xuất hoàn thành vào cuối năm nay, cộng với 30-45 ngày cho thời gian vận chuyển bằng đường thủy, các khách hàng ở Mỹ vẫn kịp nhận hàng hóa với mức thuế hiện tại trước khi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức và có quyết định áp thuế mới", ông Thắng chia sẻ.
Tương tự, tại Công ty TNHH May mặc Dony, Tổng giám đốc Phạm Quang Anh, cho biết người lao động đang chạy tiến độ "bốc khói" để sản xuất kịp đơn hàng áo thun và nón vải vào trung tuần tháng tới cho hai khách hàng Mỹ.
"Đây là hai khách hàng lâu năm của Dony. Thông thường, họ sẽ nhận sản phẩm vào cuối tháng 1 của năm sau, nhưng mới đây cả hai nhà nhập khẩu này đều đề nghị chúng tôi giao hàng sớm hơn, chậm nhất là giữa tháng 12 tới", ông Quang Anh nói.
Khác với VitaJean, ông Quang Anh cho biết, sản phẩm làm ra tại Dony với toàn bộ nguyên liệu được cung ứng bởi doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để khẳng định việc thích ứng nhanh với các yêu của cầu khách hàng đặt ra, ông không hỏi lý do vì sao phải đẩy nhanh thời gian giao hàng so với kế hoạch.
"Chúng tôi đang đẩy nhanh sản xuất bằng cách khuyến khích người lao động tăng ca và thuê đối tác khác cùng thực hiện để kịp giao theo thời hạn mới đặt ra của hai khách hàng này", CEO Dony chia sẻ.
Trên thực tế, không chỉ riêng hàng hóa nhập từ Trung Quốc sẽ áp tăng cao mà trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10-20% với toàn bộ hàng vào Mỹ. Do đó, theo giới phân tích, có khả năng một số nhà nhập khẩu Mỹ cũng lo ngại hàng hóa từ Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn hiện nay khi ông Trump nhậm chức.
Không riêng nguồn cung ở Việt Nam, theo CNBC và Reuters, ngay khi nước Mỹ công bố người chiến thắng vào Nhà Trắng, nhiều doanh nghiệp ở quốc gia này đã đẩy nhanh tốc độ nhập hàng vì lo ngại ông Trump áp thuế nhập khẩu với mọi sản phẩm vào Mỹ.
Hai hãng truyền thông này thông tin, những ngày qua, các hãng bán lẻ và công ty sản xuất tại Mỹ thúc giục các đối tác vận chuyển "lấy hàng trước hạn" để chuẩn bị cho khả năng chính sách thuế nhập khẩu thay đổi.
Dony đang gấp rút tập trung làm các đơn hàng cho khách hàng Mỹ. Ảnh: H. Lê
Ông Paul Brashier, Phó giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng toàn cầu tại công ty ITS Logistics cho rằng "Kịch bản năm 2018 đang lặp lại". 2018 là thời điểm ông Trump bắt đầu áp loạt thuế lên hàng nhập khẩu vào Mỹ.
"Lần này không chỉ giới hạn với hàng Trung Quốc. Lời đe dọa áp thuế đang khiến doanh nghiệp phải gấp rút nhập hàng từ mọi nơi trên thế giới", Brashier nói.
Sớm gỡ khó nguồn nguyên liệu
Một số doanh nghiệp may mặc khác cho biết, đến nay họ chưa nhận được đề nghị như trên từ các nhà nhập khẩu Mỹ, nhưng đa số cho rằng khi ông Trump nhậm chức thì dệt may Việt Nam ít nhiều cũng sẽ bị tác động.
Đa số ý kiến không lo ngại bị Mỹ áp thuế 10-20% như lời ông Donald Trump đưa ra lúc tranh cử. Bởi lẽ nếu thực hiện, Mỹ sẽ áp mức thuế này với tất cả các quốc gia, không riêng Việt Nam.
Đáng chú ý, với khả năng hàng hóa từ Trung Quốc bị áp thuế lên đến 60%, may mặc Việt Nam sẽ còn được gia tăng lợi thế cạnh tranh. Khi đó, các nhà nhập khẩu xứ cờ hoa sẽ chuyển đơn hàng từ Trung Quốc qua các quốc gia lân cận, trong đó Việt Nam được chú ý nhiều.
Trên thực tế, những năm qua, các nhãn hàng thời trang Mỹ đã chuyển một phần đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc sang các nước có lợi thế như Việt Nam, Banglades... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu Mỹ áp thuế nhập hàng hóa từ Trung Quốc lên 60% thì việc dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc sẽ nhiều hơn.
Trong báo cáo cập nhật ngành dệt may mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng đưa ra nhận định, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc nhờ các yếu tố như: chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc; mức thuế với Mỹ thấp hơn so với Trung Quốc (mức độ phụ thuộc vào chính sách của chính quyền mới của Mỹ); lợi thế lao động có tay nghề cao hơn Ấn Độ và Bangladesh.
Vấn đề lớn ngành dệt may trong nước cần nhanh tháo gỡ là gia tăng tỉ lệ nguyên phụ liệu sản xuất trong nước thay vì đang phụ thuộc đến 70% nguồn nhập khẩu, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc.
Ngành dệt may cần tự chủ nguyên liệu. Ảnh: L.H
Điều này dẫn đến đối tác Mỹ lo ngại nhập sản phẩm từ Việt Nam, nhất là tân Tổng thống Mỹ rất quan tâm vấn đề thâm hụt thương mại nên sẽ "soi" rất kỹ vấn đề xuất xứ hàng hóa.
Như trường hợp tại VitaJean dù chỉ sử dụng 30-35% nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất nhưng các nhà mua hàng của Mỹ đã lo ngại bị áp thuế cao mà yêu cầu giao hàng sớm hơn kế hoạch.
Để giải quyết vấn đề này, ông Việt của VitaJean cho biết, công ty sẽ tìm nguyên liệu ở Ấn Độ, Pakistan và Indonesia để thay thế. Tuy nhiên so với nguồn cung ở Trung Quốc, theo ông Việt, giá nguyên liệu của các quốc gia nói trên cao hơn gần 10%, dẫn đến giảm lợi thế cạnh tranh.
Mặt khác, vận chuyển nguyên liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam chỉ mất 7 ngày, trong khi từ Ấn Độ và Pakistan thời gian dài gấp đôi mà chất lượng chưa chắc đáp ứng được.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtex), cũng cho rằng thách thức lớn với dệt may trong nước hiện nay là nguyên liệu sản xuất đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc.
Để tránh rủi ro và tăng tính cạnh tranh, theo Chủ tịch Agtex, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tự chủ nguồn cung vật liệu nội địa, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu. "Cần chọn lọc vốn FDI đến cạnh tranh trực tiếp với sản xuất trong nước và chỉ thu hút các dự án đang bị thiếu hụt phải nhập khẩu nhiều như vải sợi, nguyên phụ liệu", ông Hồng đề xuất.
Mặt khác, việc đầu tư vào các nhà máy sản xuất phụ liệu phục vụ ngành may mặc đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến nên cần sự hỗ trợ của Chính phủ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đáng chú ý là với dự án có khâu dệt nhuộm, các địa phương cần tạo điều kiện để đầu tư thay vì né tiếp nhận vì sợ ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng từng kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, nguồn lực, đất đai giúp các doanh nghiệp ổn định đầu tư, chuyển giao công nghệ cũng như đẩy mạnh việc giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lê Hoàng
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/lo-ngai-muc-thue-moi-nha-nhap-khau-my-tang-toc-nhap-hang-det-may-viet-nam/