Thuế tối thiểu toàn cầu 'chết' dưới thời Trump 2.0?

Thuế tối thiểu toàn cầu 'chết' dưới thời Trump 2.0?
3 giờ trướcBài gốc
Việt Nam cũng đã chính thức tham gia thỏa thuận, và ngày 29-11-2023 Quốc hội thông qua Nghị quyết 107/2023/QH15, quy định áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu.
Nghị quyết có hiệu lực từ 1-1-2024. Theo đó, mức thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam được áp dụng là 15%, đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trong 2 năm của 4 năm liền kề. Kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, cũng áp dụng mức thuế tối thiểu 15%.
Do trước đây Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài bằng các ưu đãi thuế dưới 15%, nên ước tính có khoảng 120 tập đoàn quốc tế hoạt động tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định thuế tối thiểu toàn cầu.
Mỹ đã ủng hộ kế hoạch của OECD dưới thời chính quyền Biden, nhưng rốt cuộc Quốc hội đã không thông qua, do sự phản đối của đảng Cộng hòa. Dân biểu Cộng hòa Jason Smith vào năm rồi đã mô tả, thỏa thuận này là “sự đầu hàng thuế toàn cầu của Biden”, vì nó sẽ giết chết việc làm của người Mỹ, từ bỏ chủ quyền thuế và trao lợi thế cạnh tranh cho Trung Quốc”.
Giờ đây, theo nhận định của Wei Cui - GS. Luật thuế Đại học British Columbia - chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump khiến trụ cột thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu càng gặp nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Vấn đề là các nước tham gia thỏa thuận (trong đó có Việt Nam) khó có thể áp dụng quy định này đối với các công ty Mỹ, vì lo ngại chính quyền Trump sẽ trả đũa - bao gồm cả việc áp dụng mức thuế quan cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, thậm chí có thể lên đến 60%.
Rasmus Corlin Christensen, chuyên gia nghiên cứu thuế quốc tế tại Trường Kinh doanh Copenhagen, nhận định chính sách “thuế quan trừng phạt” rồi đây sẽ là công cụ rất được yêu thích của chính quyền Donald Trump.
Nhiều cố vấn của ông Trump cho biết, ông rất yêu thích sử dụng những lời đe dọa thuế quan để tạo ra những thỏa thuận tốt hơn cho các công ty Mỹ trên toàn cầu. Daniel Bunn, giám đốc điều hành của Tax Foundation, tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết: “Chính quyền mới của ông Trump sẽ gia tăng công kích và trả đũa đối với các khu vực thực thi thuế tối thiểu toàn cầu”.
Nhiều chuyên gia am hiểu các cuộc đàm phán thuế quốc tế cho biết, trên thực tế dường như nó đã chết vào ngày 6-11, ngày ông Trump tuyên bố chiến thắng bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhưng đối với các nước như Việt Nam, câu hỏi có thể còn nhiều hơn thế. Việt Nam liệu có nên nội địa hóa thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu theo Nghị quyết 107/2023/QH15 thành luật? Điều này là không thể. Ngay cả khi chọn không ban hành luật, các ưu đãi thuế tại Việt Nam có thể “thu hồi” đâu đó ở một quốc gia khác.
Ở góc độ tập đoàn đa quốc gia, điều này có nghĩa là nhà đầu tư sẽ không nhận được lợi ích từ ưu đãi thuế, ngay cả khi Việt Nam không áp dụng thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, nó sẽ được chi trả ở đâu đó.
Nếu vậy, đối với các công ty Mỹ thì phải ứng phó làm sao? Câu hỏi này càng cấp bách, khi dự đoán sẽ có làn sóng các doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ đổ bộ vào Việt Nam do căng thẳng Mỹ-Trung, dự đoán sẽ lên cao trào dưới thời ông Trump.
Thách thức là rất lớn, nhưng cơ hội cũng không nhỏ. Đặc biệt khi ông Trump là người rất thích các thỏa thuận tay đôi. Đó có thể là việc các công ty Mỹ vẫn có thể bị áp đặt mức thuế tối thiểu 15%, nhưng bù lại họ có thể nhận được một vị trí địa lý đầu tư yêu thích, hoặc một hợp đồng hoán đổi ở một thương vụ mua sắm, đầu tư khác?
Cứ giả dụ cho đây là giải pháp đôi bên cùng thắng, nhưng còn một sân chơi công bằng đối với các quốc gia khác thì sao?
GS. TRẦN NGỌC THƠ, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-chet-duoi-thoi-trump-20-post118450.html