Lo thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên

Lo thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên
3 giờ trướcBài gốc
Một lớp học Trường Tiểu học N’Trang Lơng (Đắk Glong, Đắk Nông).
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là thiếu nguồn tuyển hoặc không có người ứng tuyển.
Rốt ráo tuyển dụng
Quảng Ngãi có công văn về kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2024. Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, tỉnh thống nhất tuyển 743 giáo viên cho các cơ sở giáo dục trực thuộc sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Hiện, địa phương thực hiện quy trình tuyển dụng giáo viên theo diện chính sách thu hút. Cụ thể, từ ngày 17/9 đến hết ngày 17/10, ứng viên gửi phiếu đăng ký dự tuyển theo chính sách thu hút được quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, từ ngày 19/10 đến 19/11, đơn vị tuyển dụng tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Hội đồng tuyển dụng dự kiến tổ chức chấm thi, công bố điểm, phúc khảo và ban hành quyết định tuyển dụng trước khi bước vào học kỳ II năm học 2024 - 2025.
Ông Nguyễn Ngọc Thái cũng cho hay, Quảng Ngãi cho phép các địa phương không đủ điều kiện tổ chức thi tuyển vòng 2 thi ghép với các đơn vị khác. Các huyện miền núi được tuyển dụng người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện không quá 40% chỉ tiêu nếu có nhu cầu. Trường hợp không tuyển đủ chỉ tiêu người dân tộc thiểu số thì tuyển thí sinh khác thi cùng vị trí việc làm và lấy kết quả từ cao xuống thấp để đảm bảo chỉ tiêu.
Cuối tháng 7 vừa qua, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) khai mạc Kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2024. Ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, có 267 thí sinh đăng ký dự tuyển. Chỉ tiêu tuyển dụng là 122 giáo viên.
UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung cho tỉnh số giáo viên còn thiếu. Cụ thể, khối mầm non cần tuyển thêm 561 giáo viên, khối tiểu học 468 giáo viên, THCS 28 giáo viên và THPT 54 giáo viên. Theo báo cáo của sở GD&ĐT, năm học 2024 - 2025, tỉnh Ninh Bình tăng 138 lớp học. Tổng số viên chức, lao động hợp đồng trong ngành Giáo dục Ninh Bình hiện có trên 14.000 người (tính đến ngày 31/5 còn thiếu gần 2.600 người, trong đó thiếu hơn 1.000 biên chế giáo viên).
Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Nậm Mười (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: ITN
Kịch bản cũ lặp lại?
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 4/2024, các địa phương tuyển dụng được trên 19.400 giáo viên trong tổng số hơn 27.800 biên chế được bổ sung. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tồn tại ở hầu hết địa phương, nhất là các bộ môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ. Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu hơn 113.400 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.
Dù đã có kế hoạch tuyển dụng, hợp đồng giáo viên nhưng nhiều địa phương “tiên lượng” có thể sẽ đối diện với tình trạng thiếu nguồn tuyển hoặc không có người ứng tuyển. Ông Nguyễn Ngọc Thái phân trần, 3 năm nay tỉnh Quảng Ngãi đều thông báo tuyển dụng giáo viên Công nghệ nhưng năm nào cũng không có người ứng tuyển.
“Năm 2024, tỉnh tiếp tục tuyển dụng giáo viên nhưng chúng tôi lo ngại sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu do một số bộ môn thiếu nguồn tuyển hoặc ít người ứng tuyển”, ông Nguyễn Ngọc Thái quan ngại và lo lắng về tình trạng “trắng” hồ sơ có thể xảy ra với một số môn học, địa phương, nhất là vùng khó khăn.
Theo định biên, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) được giao hơn 1.000 biên chế giáo viên. Ông Lê Đại Thành - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, toàn huyện thiếu hơn 100 giáo viên ở các cấp học từ mầm non đến THCS. Tuy nhiên, hằng năm địa phương vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Một số môn học đặc thù như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học… không có nguồn tuyển hoặc người nộp hồ sơ dự tuyển. Thực trạng này khiến ông Lê Đại Thành lo ngại việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 sẽ gặp những hạn chế nhất định.
Hậu Giang cũng đối diện với thực trạng trên. Chia sẻ của Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hoài Thúy Hằng, thiếu giáo viên diễn ra tại nhiều địa phương, tập trung ở các môn chuyên biệt như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Việc tuyển dụng giáo viên đầu năm tương đối khó khăn do không có nguồn tuyển dụng.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng giáo viên. Song số người đăng ký khoảng hơn 1.000 hồ sơ. Số trúng tuyển chưa đầy 30% tổng số chỉ tiêu. Đại diện lãnh đạo tỉnh này cho biết, tỉnh có chính sách thu hút giáo viên, chẳng hạn: Giáo viên tiếng Anh, Tin học tuyển mới lên vùng cao được hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên, đến nay chưa tuyển mới được trường hợp nào.
Bộ GD&ĐT có Công văn số 4327 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nội dung chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, đôn đốc bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới; có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập của địa phương theo thẩm quyền; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt một số môn học như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111 năm 2022 của Chính phủ để thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát số lượng biên chế giáo viên để đề xuất Trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục; đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tuyển dụng biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao; có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018.
Minh Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/lo-thieu-nguon-tuyen-dung-giao-vien-post702624.html