Theo đề án, từ tháng 12/2029, TPHCM sẽ cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ. Ảnh minh họa
Theo Thạc sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc HIDS), lộ trình chuyển đổi được thiết kế theo các mốc kỹ thuật bắt buộc, đi kèm các chính sách khuyến khích nhằm đảm bảo quyền lợi tài chính của tài xế, thúc đẩy việc thu đổi xe cũ, cho vay mua xe mới và phát triển hạ tầng sạc.
Đề án được đưa ra gồm 4 giai đoạn:
Từ tháng 1/2026: Bắt đầu áp dụng các chính sách ưu đãi và ngừng cấp phù hiệu mới (tức dừng ký hợp đồng mới) cho xe máy xăng. Các tài xế đang sử dụng xe xăng đã đăng ký và được chấp thuận trước ngày 1/1/2026 vẫn được tiếp tục hoạt động, nhưng cần lập kế hoạch chuyển đổi sang xe điện.
Từ tháng 1/2027: Hạn chế xe xăng hoạt động trong giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp được thành phố quy định.
Từ tháng 1/2028: Siết chặt chính sách kiểm soát khí thải theo quy định.
Từ tháng 12/2029: Cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết, để hỗ trợ tài xế công nghệ chuyển đổi phương tiện, Viện đang phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô CEP và một số ngân hàng để thiết kế các sản phẩm tín dụng phù hợp.
Các gói vay dự kiến có thời hạn 24–30 tháng, với mức trả góp tương đương phần tiền tiết kiệm từ việc không phải đổ xăng. Đồng thời, TP HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 198 để hỗ trợ tối thiểu 2% lãi suất cho các khoản vay mua xe điện. Nếu lãi suất thương mại là 8%, tài xế chỉ cần trả 6%, phần còn lại sẽ do ngân sách chi trả.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM sẽ kiến nghị UBND TP HCM đề xuất Trung ương ban hành thêm các chính sách hỗ trợ như: miễn lệ phí trước bạ cho xe điện đăng ký mới trong 2 năm đầu, miễn thuế VAT cho tài xế công nghệ sử dụng xe điện, cũng như miễn thuế VAT trên từng đơn hàng thực hiện.
TP HCM cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trạm sạc di động và trạm dừng nghỉ.
Một tổ liên ngành gồm Sở Xây dựng, ngành điện và lực lượng phòng cháy chữa cháy đã được thành lập để khảo sát chung cư, tòa nhà, từ đó xây dựng bản đồ các điểm sạc xe điện. Thành phố sẽ sử dụng bản đồ này để kêu gọi đầu tư và ban hành chính sách phù hợp. Với khu nhà trọ, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra hệ thống điện để đảm bảo an toàn cho tài xế sử dụng xe điện.
Tính đến tháng 6/2025, TP HCM quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện (cao nhất cả nước), gồm hơn một triệu ôtô và gần 8,6 triệu xe máy, chưa kể lượng lớn xe vãng lai. So với cùng kỳ năm trước, số lượng xe tăng 3%, trong đó ôtô tăng đến 9%, gây áp lực lớn lên hạ tầng và môi trường đô thị.
Minh Thành