Loại dầu có mùi thơm ngậy nức mũi, cực tốt cho miễn dịch và tim mạch

Loại dầu có mùi thơm ngậy nức mũi, cực tốt cho miễn dịch và tim mạch
3 giờ trướcBài gốc
Dầu vừng (hay dầu mè) được làm từ hạt vừng đen hoặc trắng ở dạng sống hoặc rang, phổ biến trong ẩm thực các nước Châu Á và Trung Đông. Trong đó, công dụng của dầu vừng đen có vẻ được nhiều người tin rằng cao hơn với tác dụng của dầu vừng trắng.
Hạt vừng rất nhiều protein và vitamin nhưng sau khi chiết xuất thành dầu thì dầu vừng không giữ lại được nhiều protein hay các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Mặt khác, tác dụng của dầu vừng nổi bật nhờ giữ lại được các axit béo và chất chống oxy hóa bao gồm vitamin E, lignans và phytosterol (một nhóm hợp chất có nguồn gốc từ thực vật với cấu trúc tương tự như cholesterol trong cơ thể người) cùng một lượng vitamin K, cholin.
Vậy ăn dầu vừng có tốt không? Công dụng của dầu vừng đen hay vừng trắng tốt hơn?... Dưới đây là một số thông tin về giá trị dinh dưỡng và những tác dụng của dầu vừng khi được thêm vào chế độ ăn hàng ngày mà bạn có thể tham khảo.
Tác dụng của dầu vừng đối với sức khỏe (Ảnh: ST)
1. Tác dụng của dầu vừng đối với sức khỏe
Một thìa dầu vừng chứa khoảng 120 calo; 14 gam chất béo cùng nhiều axit béo omega-3 và omega-6, đây đều là chất béo không bão hòa tốt cho nhiều khía cạnh sức khỏe khi được tiêu thụ đúng tỷ lệ.
- Dầu vừng giàu chất chống oxy hóa và tác dụng chống viêm
Dầu vừng có chứa seasamol và sesaminol là hai chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng giúp giảm tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, viêm nhiễm và bệnh tật.
Theo Healthline, Y học cổ truyền Đài Loan (Trung Quốc) từ lâu đã sử dụng dầu vừng do tác dụng chống viêm của nó có hiệu quả trong điều trị viêm khớp, đau răng và trầy xước da.
Gần đây, các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm cũng chỉ ra rằng, tác dụng của dầu vừng trong việc giảm dấu hiệu viêm, chẳng hạn như sản xuất oxit nitric có liên quan tới các bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn cương dương.
- Ăn dầu vừng tốt cho trái tim
Dầu vừng có tỷ lệ cân bằng giữa axit béo omega-3, omega-6 và omega-9. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn có chứa những chất béo lành mạnh này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Trong đó, dầu vừng có chứa tới 82% là axit béo không bão hòa, đặc biệt là omega-6. Axit béo omega-6 là một chất béo không bão hòa đa rất cần thiết trong chế độ ăn uống, có vai trò phòng ngừa bệnh tim và thậm chí là làm chậm sự phát triển của các mảng bám trong động mạch - có liên quan tới xơ vữa động mạch, yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch nguy hiểm như đột quỵ.
Dầu vừng có tỷ lệ cân bằng giữa axit béo omega-3, omega-6 và omega-9 (Ảnh: ST)
Một nghiên cứu kéo dài trên 48 người trưởng thành cho thấy, tiêu thụ khoảng 59 ml dầu vừng tương đương 4 thìa canh mỗi ngày giúp nhóm người này có lượng cholesterol xấu và triglyceride giảm nhiều hơn so với nhóm tiêu thụ dầu ô liu.
- Tác dụng của dầu vừng trong quản lý đường huyết
Theo Healthline, một nghiên cứu trên những con chuột bị tiểu đường được thêm vào 6% dầu vừng trong 42 ngày đã có lượng đượng trong máu giảm đáng kể so với nhóm chuột không được cho ăn dầu vừng.
Một nghiên cứu khác trên 46 người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng cho thấy, tiêu thụ dầu vừng trong 90 ngày đã giúp giảm đáng kể đường huyết lúc đói và chỉ số HbA1c so với nhóm dùng giả dược.
- Dầu vừng có thể giúp chữa lành vết thương (trầy xước), vết bỏng
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng dầu mè bôi lên da có thể giúp chữa lành các vết thương như vết thương hở và vết bỏng khi kết hợp với ozone. Nước ozone đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để điều trị vết thương, nhưng nó nhanh chóng mất đi hiệu quả. Dầu ozone có thể được bảo quản an toàn lâu hơn.
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng dầu mè bôi lên da có thể giúp chữa lành các vết thương như vết thương hở và vết bỏng khi kết hợp với ozone (Ảnh: ST)
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sử dụng dầu vừng có thể giúp giảm thời gian phục hồi vết bỏng và các vết thương ở chuột. Điều này được giải thích là nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm trong các tác dụng của dầu vừng.
Tuy nhiên, tác dụng này còn hạn chế về số liệu trên người. Do vậy, nếu bị thương hoặc bị bỏng, tốt nhất là thực hiện sơ cứu vết bỏng và điều trị bỏng theo chỉ định của bác sĩ.
- Có thể bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của tia UV
Theo Healthline, có nghiên cứu chỉ ra rằng tác dụng của dầu vừng có thể chống lại 30% tia UV, cao hơn so với dầu dừa, dầu lạc và dầu ô liu là 20%. Một nghiên cứu năm 2018 do Đại học bang California (Mỹ) thực hiện cho biết việc bôi dầu vừng lên da có thể giúp tạo ra một lớp bảo vệ và bảo vệ da khỏi các tia UV có hại.
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng chứng minh hiệu quả này nên tốt nhất bạn vẫn nên sử dụng kem chống nắng phù hợp với làn da của mình với chỉ số SPF cao.
- Các tác dụng khác của dầu vừng
+ Tốt cho mái tóc: Dầu vừng chứa sesamin và vitamin E có thể có lợi cho mái tóc của bạn bằng cách cải thiện độ chắc khỏe và độ bóng của tóc. Tác dụng kháng khuẩn của dầu mè có thể giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh hoặc dị vật có thể tấn công da đầu hoặc tóc.
Dầu vừng chứa sesamin và vitamin E có thể có lợi cho mái tóc (Ảnh: ST)
+ Giúp hạ huyết áp: Dầu vừng chứa kẽ, sắt, magie có thể thúc đẩy sản xuất hồng cầu, cải thiện lưu thông máu và quá trình trao đổi chất. Vitamin E, chất béo không bão hòa đa cùng hai chất chống oxy hóa là sesamol và sesamin có thể giúp giảm huyết áp.
+ Có thể hỗ trợ sức khỏe xương: Vitamin K trong dầu vừng có thể có lợi cho sức khỏe xương khớp. Vitamin K đầy đủ có liên quan tới giảm nguy cơ gãy xương, tăng mật độ xương ở bệnh nhân loãng xương và giúp xương chắc khỏe hơn.
+ Có thể giúp giảm căng thẳng, lo âu: Dầu vừng có chứa một loại axit amin gọi là tyrosine có liên quan trực tiếp đến hoạt động của serotonin trong não. Từ đó tác dụng của dầu vừng có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
+ Sức khỏe làn da: Dầu vừng giàu chất béo bão hòa nên có thể giúp giảm viêm và tổn thương da bằng cách da tăng độ đàn hồi và mịn màng của da và giảm stress oxy hóa, do đó làm giảm sự xuất hiện của các đốm đồi mồi và lão hóa sớm.
Các lợi ích tiềm năng khác của dầu vừng có thể kể đến như chống ung thư ruột kết, bảo vệ chống lại tổn thương DNA do bức xạ gây ra. Tuy nhiên đây là các lợi ích chưa được nghiên cứu trên người chứng minh và chúng ta cần thêm nhiều bằng chứng hơn trước khi kết luận chắc chắn.
Ai không nên ăn dầu vừng? Ảnh: ST
2. Ai không nên ăn dầu vừng?
Ngoài tác dụng của dầu vừng thì bạn cũng cần chú ý tới các rủi ro khi tiêu thụ dầu vừng đối với sức khỏe, bao gồm:
- Dị ứng:Một số người có thể bị dị ứng dầu vừng, đặc biệt người có tiền sử dị ứng với các loại hạt cần lưu ý. Dị ứng vừng và dầu vừng có thể gây ra các triệu chứng dị ứng từ nhẹ tới nặng như mẩn ngứa, nổi mề đay, sưng nề môi/mặt, khó thở, chóng mặt và sốc phản vệ.
- Tăng cân: Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng dầu vừng cũng có chỉ số calo cao, tiêu thụ quá nhiều dầu vừng cũng có thể dẫn tới tăng cân. Vì thế với câu hỏi ăn dầu vừng có tăng cân không thì câu trả lời là có nếu không quản lý lượng dầu và thức ăn tiêu thụ đúng cách.
- Tương tác thuốc: Ăn dầu vừng có thể dẫn tới một số tương tác thuốc không mong muốn như thuốc huyết áp, thuốc tiểu đường. Nếu đang điều trị bệnh theo đơn thuốc của bác sĩ, tốt nhất hãy hỏi bác sĩ nếu muốn thêm dầu vừng vào chế độ ăn hàng ngày để nhận được tư vấn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như nên ăn bao nhiều dầu vừng một ngày.
Ngoài ra, do điểm bốc khói của dầu vừng ép từ hạt tươi ở mức trung bình còn dầu vừng ăn liền ở mức thấp nên đôi khi dầu vừng không phải là lựa chọn phù hợp cho các món ăn cần chế biến ở nhiệt độ cao như nướng, xào. Bạn có thể xem xét thay thế dầu vừng bằng các loại dầu khác như dầu hạt lanh, dầu óc chó, dầu ô liu nguyên chất, dầu gai dầu, dầu hạt bí ngô.
Điểm bốc khói của dầu vừng ở mức trung bình thấp (Ảnh: ST)
Dầu vừng hay dầu ô liu tốt hơn?
Mặc dù cả tác dụng của dầu vừng và dầu ô liu đều tốt với sức khỏe nhưng nếu so sánh về các lợi ích và rủi ro sức khỏe thì dường như dầu ô liu là lựa chọn tốt và phổ biến hơn.
Dầu ô liu chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu. Dầu ô liu nguyên chất cũng có một trong những tỷ lệ oxy hóa thấp nhất trong số các loại dầu ăn. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ nhận được ít gốc tự do hơn (các hóa chất có thể gây hại cho tế bào).
Nhìn chung, các tác dụng của dầu vừng cho thấy bạn có thể thêm loại dầu thơm ngậy này vào chế độ ăn hàng ngày, chẳng hạn như các món đồ chấm, sốt salad, các món xào ở nhiệt độ thấp,... Tuy nhiên, về tổng lượng dầu ăn nên ăn mỗi ngày không nên tiêu thụ quá 27 gam trên chế độ ăn 2000 calo ở người trưởng thành để nhận được tối đa lợi ích và giảm rủi ro khi tiêu thụ quá nhiều dầu.
Nguồn: Healthline, WebMD
Châu Anh
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/loai-dau-co-mui-thom-ngay-nuc-mui-cuc-tot-cho-mien-dich-va-tim-mach-20241106162131886.htm