Những người nên hạn chế ăn quả lê

Những người nên hạn chế ăn quả lê
2 giờ trướcBài gốc
Quả lê và những lợi ích của quả lê với sức khỏe
Bài viết trên website Bện viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trung bình trong 100g quả lê cung cấp rất nhiều dưỡng chất bổ ích, gồm: canxi, chất xơ, kali, protein, photpho, và các loại vitamin cần thiết khác như A, B, C. Cứ 100g quả lê sẽ chứa 0,5mg sắt, 86,5g nước, 0,2g protein, 0,1g chất béo, 11g carbohydrate, 14mg canxi, 13mg photpho, 1,6g chất xơ, 1mg axit folic, các vitamin nhóm P, C và beta carotene, 0,2g vitamin PP.
Nhìn vào bảng thành phần dinh dưỡng của quả lê ta cũng có thể thấy loại trái cây này thực sự có ích với sức khỏe. Do đó các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên hàng ngày chúng ta nên ăn lê để cơ thể nhận được những lợi ích như sau:
Ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm: hoạt chất chứa trong quả lê giúp giảm thiểu tình trạng đau, chống viêm do bệnh viêm khớp gây nên;
Bổ sung chất xơ, cải thiện hệ tiêu hóa: chất xơ rất tốt cho quá trình tiêu hóa thức ăn nên những ai bị tiêu chảy, táo bón, thiếu nước có thể đưa quả lê vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.
Tăng cường sức đề kháng: các vitamin (B2, B3, B6, C và K), các khoáng chất (magie, canxi, mangan, đồng, folate) chứa trong quả lê có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Giảm hàm lượng cholesterol trong máu nhờ hoạt động của chất xơ và Pectin chứa trong lê.
Hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường type 2:chất anthocyanin được tìm thấy nhiều trong quả lê có tác dụng kiểm soát hàm lượng đường huyết nên rất có lợi cho những bệnh nhân đang mắc bệnh tiểu đường type 2.
Chống lại hoạt động của các gốc tự do: trong quả lê chứa rất nhiều vitamin C, K, khoáng chất đồng giúp bảo vệ cơ thể trước sự tàn phá của các gốc tự do;
Giảm cân: hàm lượng calo trong quả lê khá thấp, kết hợp với lượng chất xơ dồi dào giúp no lâu rất thích hợp cho những ai đang có kế hoạch giảm cân;
Bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch: các chất chống oxy hóa do quả lê tiết ra có công dụng hạn chế tình trạng xơ vữa mạch máu và hiện tượng tập kết tiểu cầu hình thành các cục máu đông trong lòng mạch. Do đó ăn lê sẽ giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các bệnh lý về tim mạch khác.
Phòng ngừa ung thư:nhờ khả năng kết dính của chất xơ chứa trong quả lê với các axit mật thứ cấp mà chúng ta có thể phòng ngừa rủi ro mắc ung thư ruột già hoặc các vấn đề khác tại ruột.
Giảm nguy cơ loãng xương:các khoáng chất vi lượng và đặc biệt là boron trong quả lê giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ canxi nên rất có lợi cho sự phát triển của hệ xương. Nếu cơ thể bị thiếu hụt boron sẽ làm giảm khả năng hấp thu magie, photpho,... đây chính là một trong những nguyên nhân gây vôi hóa và loãng xương.
Quả lê tốt cho sức khỏe nhưng có một số người cần lưu ý khi ăn.
Những người nên hạn chế ăn quả lê
Quả lê tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS. Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo những nhóm người dưới đây cần cẩn thận khi ăn quả lê:
- Người có vấn đề tiêu hóa:Quả lê tính hàn nên người tỳ vị hư hàn với các biểu hiện như hay đầy bụng, tiêu hóa kém, đi ngoài phân thường lỏng nát, vốn không ăn được đồ lạnh không nên ăn nhiều
- Phụ nữ đang cho con bú: Phụ nữ cho con bú không nên ăn nhiều quả lê vì trẻ em hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện. Theo Đông y, trẻ nhỏ tỳ vị còn non nớt, nếu mẹ ăn quá nhiều lê là thực phẩm tính hàn, hàn khí có thể theo sữa làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của con.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai cũng nên ăn ít hoặc không ăn lê, quá trình mang thai và hình thành phôi thai rất quan trọng, không thể xem nhẹ, những thực phẩm có tính hàn hay cay nóng đều không nên ăn nhiều.
Sau khi sinh, phụ nữ có cơ thể suy yếu, khí huyết hao tổn, hoạt động tương đối ít, sợ gió và lạnh; lê thuộc loại thực phẩm có tính mát nên cần kiêng dùng.
- Người mắc bệnh tiểu đêm:Quả lê còn có tác dụng lợi tiểu, những người vốn hay tiểu đêm, tiểu tiện nhiều lần cũng không nên ăn quá nhiều lê.
- Người dương khí hư nhược:Có biểu hiện hay sợ lạnh, hay đi ngoài phân lỏng, tay chân lạnh không nên ăn nhiều quả lê, khi ăn cũng nên chế biến thành các món ăn, nấu chín quả lê để dự phòng các triệu chứng của hàn thấp trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, khi ăn quả lê, không nên ăn cùng một số loại thực phẩm như củ cải, rau dền, thịt ngỗng… các thực phẩm này khi tương tác với lê sẽ sinh ra các tác động không tốt với sức khỏe.
Hạ An (Tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nhung-nguoi-nen-han-che-an-qua-le-ar905823.html