Phát hiện đột phá từ não bộ loài vẹt
Theo báo cáo công bố ngày 19/3 trên tạp chí Nature, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y khoa Langone, Đại học New York, đã xác định rằng vẹt đuôi dài không chỉ đơn thuần là loài vật bắt chước tiếng người, mà còn có một hệ thống tổ chức âm thanh trong não bộ rất giống với cơ chế ngôn ngữ của con người.
“Đây là loài động vật đầu tiên được chứng minh có trung tâm sản xuất ngôn ngữ tương tự như ở người,” nhà thần kinh học Michael Long tại Langone Health khẳng định.
Phát hiện này được kỳ vọng sẽ mở ra những hướng nghiên cứu mới trong việc tìm hiểu và điều trị các rối loạn giao tiếp ở người.
Ảnh minh họa.
Cơ chế “bàn phím giọng nói” trong não vẹt
Để giải mã cách mà vẹt đuôi dài tạo ra âm thanh, Michael Long cùng cộng sự Zetian Yang đã tiến hành theo dõi hoạt động thần kinh ở não bộ của 4 cá thể vẹt khi chúng phát ra tiếng hót.
Kết quả ghi nhận hoạt động đặc biệt tại vùng cung trước (anterior arcopallium) – một khu vực trong não có liên hệ trực tiếp với các âm thanh mà vẹt phát ra. Long mô tả cơ chế này tương tự như một bàn phím, nơi mỗi phím bấm tương ứng với các yếu tố âm thanh như phụ âm, nguyên âm và cả cao độ giọng nói.
“Chúng có thể tạo ra bất kỳ âm thanh nào trong thế giới của mình chỉ bằng cách chơi trên ‘bàn phím giọng nói’ này,” Long cho biết.
Sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa não bộ vẹt và con người được cho là kết quả của hiện tượng tiến hóa hội tụ – khi hai loài phát triển cơ chế giống nhau để giải quyết cùng một vấn đề.
Liệu vẹt có khả năng giao tiếp phức tạp hơn chúng ta tưởng?
Câu hỏi này đang được nhóm nghiên cứu tiếp tục khám phá bằng cách áp dụng trí tuệ nhân tạo để giải mã ngôn ngữ của vẹt đuôi dài. Long bày tỏ kỳ vọng: nếu có thể hiểu rõ hơn về cách loài chim này giao tiếp, con người có thể phải đánh giá lại khái niệm “độc nhất” của ngôn ngữ loài người.
“Nếu chúng ta có thể dịch được tiếng vẹt, có lẽ chúng ta sẽ phải xem xét lại những gì thực sự tạo nên sự đặc biệt của ngôn ngữ con người,” Long chia sẻ.
Bảo Ngọc (t/h)