Loại vi khuẩn quen thuộc khiến 70 người nhập viện ở Bắc Kạn

Loại vi khuẩn quen thuộc khiến 70 người nhập viện ở Bắc Kạn
2 giờ trướcBài gốc
Một học sinh trong vụ ngộ độc được điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.
Sự việc xảy ra trưa 19/9, 88 học sinh và 5 giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn cùng ăn bữa cơm với thịt gà chiên, canh rau dưa, khoai tây xào, dưa hấu.
Ngày 23/9, Sở Y tế Bắc Kạn xác nhận nguyên nhân khiến nhiều học sinh và giáo viên đau bụng, nhập viện là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do tụ cầu vàng. Đây là loại vi khuẩn quen thuộc gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể lớn ở Khánh Hòa, Đồng Nai.
Thủ phạm quen thuộc
Staphylococcus aureus (hay tụ cầu vàng) là loài tụ cầu khuẩn gram dương hiếu khí tùy nghi, không di động, không sinh nha bào, có hình cầu, đường kính 0.8-1 µm. Vi khuẩn phát triển dễ dàng ở môi trường thông thường, không thể sinh trưởng ở nhiệt độ thấp.
Môi trường sinh trưởng tối ưu của vi khuẩn S.aureus có nhiệt độ dao động 18-40 độ C, tốt nhất là 25 độ C, độ pH khoảng 7,2.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tụ cầu lan truyền chính qua tiếp xúc chân tay, ho, xì mũi. Thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu chủ yếu là thực phẩm có hàm lượng nước cao, có nhiều tinh bột (cháo, sữa, các món kem, bánh ngọt có sữa và các sản phẩm có sữa khác…), thực phẩm có nhiều chất béo, chất đạm (thịt giăm bông, thịt bò, thịt gia cầm, cá, trứng, đồ hộp…).
Các vụ ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng xảy ra theo xu hướng rõ ràng. Hai thời điểm có số vụ tăng cao là từ tháng 4 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 11.
Vi khuẩn tụ cầu vàng có hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, không di động. Ảnh: Shutterstock.
Tụ cầu sau khi xâm nhập vào thức ăn 4-5 giờ sẽ sản sinh ra ngoại độc tố ruột. Ngoại độc tố này khi vào dạ dày, ruột không bị men tiêu hóa phá hủy, nhanh chóng thấm vào niêm mạc dạ dày - ruột và máu. Độc tố tác động lên hệ thần kinh thực vật làm cường phó giao cảm, gây tăng co bóp dạ dày - ruột dẫn đến các triệu chứng ngộ độc.
Thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm khuẩn tụ cầu vàng chỉ trong khoảng 1-6 giờ (trung bình là 2 đến 4 giờ) sau ăn. Ở giai đoạn toàn phát, các dấu hiệu xuất hiện đột ngột chủ yếu là nôn mửa, tiêu chảy dữ dội, đau bụng, choáng, nguy cơ mất nước nặng có thể dẫn tới trụy tim mạch.
Thông thường, những người khỏe mạnh nhiễm tụ cầu vàng thường hồi phục nhanh chóng trong 1-2 ngày khi được bù nước đầy đủ và nghỉ ngơi đầy đủ.
Vi khuẩn tụ cầu ít gây nguy hiểm tính mạng. Hầu hết trường hợp không qua khỏi là trẻ nhỏ, người già yếu, người có hệ miễn dịch kém bị mất nước nghiêm trọng và không được điều trị phù hợp.
10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn
Để hạn chế ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng, người dân cần thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn của Bộ Y tế như sau:
- Chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.
- Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
- Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
- Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Thức ăn sau khi nấu chín từ 5 giờ trở lên cần giữ nhiệt độ liên tục trên 60 độ C hoặc dưới 10 độ C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
- Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại.
- Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
- Giữ vệ sinh tay: Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bị nhiễm trùng ở bàn tay, bạn nên băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
- Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
- Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Nước làm đá lạnh cần được đun sôi. Mọi người cần đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
Bất kể ai, khi bị hoặc phát hiện ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc thực phẩm do tụ cầu khuẩn nói riêng, hoặc các bệnh truyền qua thực phẩm đều phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra và xử lý kịp thời.
Linh Thùy
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/loai-vi-khuan-quen-thuoc-khien-70-nguoi-nhap-vien-o-bac-kan-post1499633.html