Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội tại Khu đô thị Xanh Bàu Tràm Lakeside khi giới thiệu, quảng cáo đã đổi tên thành Dự án Ori Garden.
Đặc biệt là khi giới thiệu, quảng cáo, kick off (khởi động), mở bán dự án bất động sản, nhiều chủ đầu tư, đơn vị phát triển, đơn vị môi giới đã không sử dụng tên dự án theo như trong hồ sơ đăng ký đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong giấy chứng nhận đầu tư mà thay vào đó là tên dự án mới dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định. Đơn cử, như Dự án Khu chung cư cao tầng, văn phòng thương mại và nhà ở Tuyên Sơn nằm trên địa bàn phường Hòa Cường Nam (Q.Hải Châu) thay đổi tên thành Dự án The Estuary Tuyên Sơn.
Tương tự, Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (phường Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) thành Dự án Marina Complex; Dự án Khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn giai đoạn 2 (phường Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn) thành Dự án Sun Cosmo; Dự án Trung tâm cao ốc phức hợp Nguyễn Kim (phường Chính Gián, Q.Thanh Khê) thành Dự án TTC Plaza Đà Nẵng; Dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Duyên Hải Miền Trung (phường Phước Mỹ, Q.Sơn Trà) thành Dự án Premier Sky…
Thậm chí có dự án được thay đổi tên gọi đến 2 lần như Dự án Khu chung cư Bắc Cường (phường Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu) của chủ đầu tư Công ty CP Cường Thịnh Phát, vào tháng 5-2024, đã được 1 đơn vị môi giới quảng bá, mở bán ra thị trường với tên gọi là Dự án Danang Gold Tower, đến thời điểm này, tiếp tục thay đổi tên gọi thành Dự án The Vista Residence. Không chỉ có dự án bất động sản thương mại, ngay cả các dự án bất động sản nhà ở xã hội cũng thay đổi tên gọi khi thực hiện việc PR, quảng cáo, mở bán ra thị trường. Đơn cử, Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Đại Địa Bảo (phường Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) được thay đổi tên thành Dự án Blue House hay như Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội tại Khu đô thị Xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu) thành Dự án The Ori Garden, v.v…
Nhiều chủ đầu tư cho rằng việc thay đổi tên các dự án địa ốc, đa phần bằng tên nước ngoài, đặc biệt là bằng tiếng Anh để làm gọn tên dự án, không dài dòng như tên tiếng Việt nhằm tiện cho việc giới thiệu, quảng cáo, PR, v.v… Tuy nhiên, theo các chuyên gia trên lĩnh vực bất động sản, có một số chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án, đơn vị môi giới "thích" thay đổi, "Tây hóa" tên dự án và thường lồng thêm các từ như: Luxury (thường được dùng để chỉ sự xa hoa, sang trọng), Premier (đẳng cấp, cao cấp), Royal (vương giả, quý phái), v.v… nhằm "đánh bóng" dự án, câu khách, phục vụ cho việc bán hàng, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, có dự án mở bán vài lần nhưng không hiệu quả cũng được thay tên mới với hy vọng bán được hàng trong lần mở bán tiếp theo. Đáng lưu ý hơn là một số dự án chậm tiến độ, chây ì việc bàn giao đất và sổ đỏ hoặc bị khách hàng khiếu kiện, tố cáo trong quá khứ nên được các chủ đầu tư thay đổi tên để tránh tai tiếng với khách hàng mới…
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Văn phòng Luật sư Phong và Cộng sự, chia sẻ, việc nhiều chủ đầu tư, đơn vị phát triển, đơn vị môi giới dự án địa ốc tùy tiện "thay tên, đổi họ" dự án không chỉ khiến cho khách hàng gặp không ít khó khăn khi muốn tìm hiểu thông tin về dự án mà còn gây sự nhiễu loạn, khó khăn cho công tác quản lý của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành. Theo Điểm b khoản 1 Điều 63 Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng, hành vi đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án bất động sản hoặc tên các khu vực trong dự án không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh tình trạng tùy tiện "thay tên, đổi họ" các dự án địa ốc của một số chủ đầu tư nhằm góp phần lập lại trật tự kỷ cương lĩnh vực bất động sản trên địa bàn TP Đà Nẵng, đồng thời góp phần làm lành mạnh, minh bạch thị trường bất động sản Đà Nẵng nói chung, các dự án địa ốc nói riêng.
PHÚ NAM