Loạt bài: Giải ngân vốn đầu tư công: Thấy gì từ những 'top' đầu cả nước?

Loạt bài: Giải ngân vốn đầu tư công: Thấy gì từ những 'top' đầu cả nước?
2 giờ trướcBài gốc
Khó khăn trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm. Ảnh tư liệu
Bài 1: Nhiều mảng sáng, tối đan xen
Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như của các bộ, ngành, địa phương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024 đã đưa lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thế nhưng, bên cạnh những nơi có tỷ lệ giải ngân cao thì vẫn còn một số nơi có tỷ lệ giải ngân thấp. “Bức tranh” giải ngân hiện còn nhiều mảng màu sáng, tối đan xen.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) cho các bộ, ngành, địa phương trên 677.944 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch năm 2023). Cùng với việc giao vốn, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn ĐTC, bởi giải ngân nhanh nguồn vốn này sẽ tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các năm tiếp theo.
Với mục tiêu đưa nhanh nguồn vốn ĐTC vào xã hội, lấy ĐTC để thu hút đầu tư tư, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC, đồng thời duy trì 5 tổ công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ và 2 tư lệnh ngành làm tổ trưởng để đôn đốc các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đã đích thân vào cuộc với những buổi kiểm tra thực tế tại các dự án, công trình, nhất là tại các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải… Riêng đối với các dự án đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp 5 lần kiểm tra. Tại mỗi buổi kiểm tra, người đứng đầu Chính phủ đều yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, kỹ sư, công nhân, người lao động tích cực, hăng say, nỗ lực với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm".
Về phía các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ĐTC được giao và nỗ lực triển khai các giải pháp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm với kỳ vọng đưa nhanh nguồn vốn vào trong xã hội, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế địa phương cũng như nền kinh tế của cả nước.
Bộ Tài chính đã kịp thời kiểm tra việc phân bổ vốn chi tiết của các bộ, ngành, địa phương. Đối với những đơn vị phân bổ không đúng quy định, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng đơn vị đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết, sau đó cơ bản các bộ, ngành đã có báo cáo bổ sung hoặc điều chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) theo đúng quy định... Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đảm bảo nguồn vốn để sẵn sàng giải ngân khi các dự án có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu. Hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục kiểm soát, giải ngân vốn ĐTC thông qua đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến…
Với “sức nóng” từ trong chỉ đạo, từ những cuộc thị sát của người đứng đầu Chính phủ, của các Tổ công tác; sự vào cuộc của cơ quan quản lý, kiểm soát và thanh toán vốn, tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã có tỷ lệ giải ngân rất cao, mang đến cho “bức tranh” giải ngân của cả nước những mảng màu sáng.
Những mảng tối đan xen
Tuy nhiên, “bức tranh” giải ngân vẫn chưa thực sự tươi sáng, bởi vẫn còn nhiều gam màu tối từ các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết tháng 9, còn 29 bộ, ngành và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đáng chú ý, có một số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (chưa phân bổ vốn); giải ngân rất thấp như: Ủy ban dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (4,11%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (6,76%) ….
Đặc biệt, một số địa phương có kế hoạch vốn lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm đến 11-12% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho cả nước nhưng giải ngân 9 tháng đạt thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung của cả nước.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC năm 2024 được tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua, bên cạnh việc biểu dương các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải ngân, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.
Đưa ra nhận định về việc giải ngân vốn ĐTC còn chậm, người đứng đầu Chính phủ cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm, vướng mắc trong quy hoạch sử dụng đất, nguồn cung ứng nguyên vật liệu… “Nhưng điều đáng nói ở đây là, cùng một cơ chế, chính sách, cùng một khó khăn như nhau nhưng có nơi giải ngân rất tốt, có nơi lại chưa tốt” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải làm rõ vấn đề này, đồng thời đúc kết những kinh nghiệm, cách làm hay, xác định các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy ĐTC năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết, trước thực trạng giải ngân vốn chậm, đã có nhiều giải pháp được đưa ra như quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm với tiến độ giải ngân; không giải ngân hết thì sang năm sẽ cắt vốn, điều chuyển vốn; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để phát hiện đơn vị nào thực hiện không nghiêm sẽ xử lý… Tuy nhiên, việc giải ngân vẫn chậm.
Mới đây, tại Quảng Ninh, UBND thành phố Hạ Long đã tạm đình chỉ chức vụ với Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố từ ngày 1/10 do chậm giải ngân vốn ĐTC.
Đây là lần đầu tiên, tại một địa phương đã biến những quy định thành hành động. Việc làm này được xem như một biện pháp kỷ luật mạnh, cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong thực hiện các dự án ĐTC. Động thái này của tỉnh Quảng Ninh là bài học kinh nghiệm để nhiều địa phương học hỏi. Bởi chỉ khi người đứng đầu có quyết tâm, có hành động thì công việc mới “trôi”, các dự án mới “chạy”, từ đó mới giúp cải thiện tỷ lệ giải ngân của địa phương cũng như của cả nước.
Giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là quy trách nhiệm cho người đứng đầu
Theo GS.TS Đinh Trọng Thịnh, để giải ngân nhanh nguồn vốn ĐTC phải kết hợp nhiều yếu tố chứ không riêng ở một yếu tố nào. Theo đó, ngoài việc tháo gỡ các nút thắt, cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để nâng cao trách nhiệm của họ trong giải ngân vốn ĐTC.
Hạnh Thảo
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/loat-bai-giai-ngan-von-dau-tu-cong-thay-gi-tu-nhung-top-dau-ca-nuoc-162242.html