Loạt chính sách có hiệu lực tháng 11: Thông tin về việc ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông

Loạt chính sách có hiệu lực tháng 11: Thông tin về việc ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông
3 giờ trướcBài gốc
Hình thức giám sát cảnh sát giao thông
Thông tư số 46/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/11 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thông tư số 46/2024/TT-BCA thông tin về việc giám sát cảnh sát giao thông. Ảnh: Chinhphu.vn
Cụ thể, Thông tư quy định một số hình thức giám sát và bãi bỏ hình thức giám sát cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, đây không được xem là hành vi bị nghiêm cấm.
Do đó, người dân có quyền sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, chụp ảnh giám sát quá trình làm việc của cảnh sát giao thông nhưng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng chức năng đang thực thi công vụ.
Đồng thời, người dân không được sử dụng các hình ảnh, video đã quay được để đăng lên mạng xã hội nhằm xúc phạm cảnh sát giao thông.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) mới đây đề nghị Cục Cảnh sát giao thông tham mưu, báo cáo Bộ Công an thực hiện truyền thông chính sách sâu rộng, nhất quán về Thông tư số 46/2024 để thực hiện đúng, đầy đủ quy định về quyền giám sát của nhân dân thông qua hình thức ghi âm, ghi hình trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thông tư mới liên quan đến hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán
Thông tư số 68/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 2/11 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, thông tư đã sửa đổi, bổ sung việc nhà đầu tư phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua chứng khoán, ngoại trừ các trường hợp: Nhà đầu tư giao dịch ký quỹ theo quy định; tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định.
Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu (nếu có) theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền được chuyển cho công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.
Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi thực hiện giao dịch theo quy định được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Phạm nhân được trả tiền công lao động dựa trên kết quả xếp loại
Nghị định số 118/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 15/11 cho biết, 10% của tổng số tiền thu được từ kết quả lao động của các phạm nhân sau khi trừ các chi phí hợp lý sẽ được dùng để trả tiền công cho chính phạm nhân đó.
Trong đó, phạm nhân tham gia lao động được xếp loại tốt trong quý sẽ được hưởng 100% định mức, loại khá được hưởng 90%, loại trung bình được hưởng 80% và cuối cùng loại kém được hưởng 50%.
Chế độ ăn đối với phạm nhân, phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, phạm nhân là người dưới 18 tuổi cũng quy định rõ. Phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17kg gạo tẻ; 15kg rau xanh; 1kg thịt lợn; 1kg cá; 0,5kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5kg muối; gia vị khác tương đương 0,5kg gạo tẻ; chất đốt tương đương 17kg củi hoặc 15kg than.
Phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Thành lập TP. Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh
Theo Nghị quyết số 1199/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025 có hiệu lực từ ngày 1/11 cho biết, TP. Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) được thành lập nguyên trạng trên cơ sở thị xã Đông Triều với diện tích 395,950 km2, dân số 249.000. Cùng với đó, 4 phường Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức được lập mới thuộc TP. Đông Triều.
Thành phố mới thành lập phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Đông Triều đạt 14%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 163 triệu đồng, gấp 1,6 lần trung bình cả nước.
Sau khi thị xã Đông Triều lên thành phố, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước, bao gồm Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và Đông Triều. Quảng Ninh cũng đang triển khai thủ tục, xây dựng hồ sơ để đề nghị thành lập TP. Quảng Yên vào năm 2025. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng.
Trần Đình
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/loat-chinh-sach-co-hieu-luc-thang-11-thong-tin-ve-viec-ghi-am-ghi-hinh-canh-sat-giao-thong-356116.html