“Hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn TP Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, đội vốn nghiêm trọng do nguồn cung cát xây dựng bất ngờ sụt giảm mạnh. Thị trường vật liệu xây dựng “nghẽn mạch” giữa lúc cao điểm thi công không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2025, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây xáo trộn mặt bằng kinh tế, phát sinh tiêu cực nếu không được kiểm soát chặt chẽ” - tại văn bản gửi đến UBND TP Đà Nẵng mới đây, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp (gọi tắt là QLDA ĐTXD) TP Đà Nẵng đã báo cáo thực trạng đáng ngại như thế.
Giá tăng chóng mặt
Ngày 23/5, ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD TP Đà Nẵng cho biết vừa có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng về tình trạng khan hiếm vật liệu cát xây dựng, cảnh báo nguy cơ gián đoạn thi công tại nhiều công trình trọng điểm.
Khan hiếm nguồn cung cát xây dựng, nhiều công trình xây dựng tại Đà Nẵng lo lắng chậm tiến độ.
Theo báo cáo này, tận dụng thời tiết thuận lợi, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông và nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy nhanh thi công nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng các công trình. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, lãnh đạo Ban nhận được phản ánh từ các nhà thầu xây lắp về trình trạng khan hiếm vật liệu cát xây dựng trên thị trường (cát dùng để san lấp xử lý nền, làm lớp đệm, cát trộn bê tông tại chỗ trên công trường...).
Đáng ngại hơn, một số đơn vị cung cấp bê tông thương phẩm trên thị trường TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản thông báo đến khách hàng về trình trạng rất khó khăn trong việc thu mua cát để sản xuất bê tông; từ đó đồng loạt phát đi thông báo tạm ngừng hoặc hạn chế cung ứng. Chẳng hạn, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Thương mại Việt Hàn – Chi nhánh Quảng Nam cùng Công ty Đầu tư thương mại Phước Yên vừa tuyên bố dừng cung cấp bê tông từ ngày 23/5. Trước đó, ngày 21/5, Trạm bê tông Vinaconex 25 cũng tạm dừng nhận đơn hàng mới, tăng giá bán thêm 120.000 đồng/m³ từ ngày 22/5. Còn các trạm bê tông Sông Hàn và Sỹ Kiên Mạnh chỉ ưu tiên khách hàng truyền thống, đơn hàng lớn, đồng thời tăng giá từ 20–30%.
Nguyên nhân của việc khan hiếm cát xây dựng được xác định do các mỏ cấp cát cho thị trường Quảng Nam - Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động, hoặc khai thác cầm chừng hoặc hạn chế khai thác (do hết hạn giấy phép, đang bị rà soát pháp lý hoặc cạn kiệt trữ lượng). Thực tế này dẫn đến khan hiếm nguồn cung và giá cát xây dựng bắt đầu… nhảy vọt đáng ngại. Chỉ trong chưa đầy 2 tuần, giá cát xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng đã tăng từ 300.000 đồng/m³ lên hơn gấp đôi, hiện gần 700.000 đồng/m³.
Và chính thực tế khan hiếm vật liệu cát xây dựng, kéo theo giá thành tăng phải tạm dừng sản xuất cung ứng bê tông thương phẩm ra thị trường đã dẫn đến sự gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công các công trình xây dựng, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án… Thực tế này không chỉ khiến các nhà thầu rơi vào thế bị động mà còn khiến kế hoạch thi công và giải ngân vốn đầu tư công bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện tại, ít nhất 4 công trình lớn trên địa bàn Đà Nẵng đang bị ảnh hưởng trực tiếp do thiếu cát, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp cầu Biện; hệ thống thu gom nước thải khu vực Hòa Xuân – Cẩm Lệ; kè sông Yên; và kè Cu Đê. Ghi nhận của PV Báo CAND ngày 23/5 tại các công trường vừa kể cho thấy, nhiều hạng mục đã phải dừng thi công hoàn toàn, trong khi nhiều gói thầu khác chỉ hoạt động cầm chừng để cầm cự chờ vật liệu.
“Nếu không có biện pháp ứng cứu kịp thời, nguy cơ chậm tiến độ các công trình trọng điểm là hoàn toàn hiện hữu. Việc giá cát xây dựng tăng còn dẫn đến hệ lụy dây chuyền, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí thi công cũng có thể tăng vọt do điều chỉnh giá hợp đồng, mà chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công cũng bị tác động tiêu cực”, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD TP Đà Nẵng lo ngại.
Khẩn trương khơi thông nguồn cung, bình ổn thị trường
Trước diễn biến phức tạp của thị trường cát vật liệu xây dựng, Ban QLDA ĐTXD TP Đà Nẵng kiến nghị UBND TP Đà Nẵng sớm chỉ đạo các sở, ngành chức năng vào cuộc. Cụ thể, cần nhanh chóng rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng nguồn cung cát xây dựng, xem xét khả năng tái khai thác các mỏ tạm ngưng, tăng tần suất cung ứng hợp lý, đồng thời triển khai các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá trên thị trường.
Ngay trong chiều 22/5, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị cung ứng vật liệu và sản xuất bê tông thương phẩm khẩn trương báo cáo tình hình điều chỉnh giá, lý do tăng giá và cung cấp bảng giá tại thời điểm thay đổi. Riêng các đơn vị sản xuất bê tông phải hoàn tất hồ sơ báo cáo trước ngày 28/5 tới đây để phục vụ công tác quản lý giá.
Theo tìm hiểu của PV, phần lớn các mỏ cát trên địa bàn Quảng Nam – nơi chiếm hơn 80% nguồn cung cho Đà Nẵng hiện đã hết hạn giấy phép khai thác hoặc sắp hết hạn trong tháng 6 tới. Mỏ Pha Lê trên sông Vu Gia (Đại Lộc) với trữ lượng khai thác hàng chục nghìn m³/năm đã ngừng hoạt động. Một số mỏ khác chỉ còn khả năng cung ứng “nhỏ giọt” cho đối tác truyền thống.
Theo một cán bộ Sở Xây dựng, việc đóng mỏ, dừng khai thác cát vì nhiều lý do nếu để kéo dài sẽ dẫn đến khan hiếm, giá cát ngày càng tăng cao. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn trước mắt mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây “đứt gãy” chuỗi cung ứng vật liệu nếu không có kế hoạch gia hạn, cấp phép, tái tổ chức khai thác kịp thời, phù hợp với quy hoạch khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Hoài Thu