Huyện rẻo cao Đakrông có 67 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã được bàn giao cho UBND các xã và ban quản lý thôn quản lý, khai thác. Song chỉ có 2 công trình được đánh giá là hoạt động bền vững và 9 công trình hoạt động tương đối bền vững. Có tới 37 công trình đang hoạt động kém bền vững và 19 công trình hiện tại không hoạt động.
“Nguyên nhân do nhiều công trình đã được xây dựng từ khá lâu, áp dụng loại hình tự chảy với hệ thống đường ống phức tạp, bố trí ở những vùng địa hình khó khăn cho việc quản lý và bảo trì. Đặc biệt, các hạng mục quan trọng như bể lọc, bể chứa và hệ thống đường ống thường xuyên bị hư hỏng, nhất là trong mùa mưa lũ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cấp nước ổn định”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết.
Người dân miền núi xã Lìa phải lấy nước từ sông, suối sử dụng do phần lớn các công trình cấp nước trên địa bàn bị xuống cấp, hư hỏng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị, đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả, Sở đang tiến hành rà soát, phân loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung để lập phương án giao, quản lý, khai thác tài sản theo Nghị định số 43 ngày 24/6/2022 của Chính phủ.
Trong đó dự kiến đề xuất thanh lý các công trình ngừng hoạt động và các công trình hoạt động kém hiệu quả nhưng không thể sửa chữa, khắc phục được.
Học sinh ở huyện miền núi Hướng Hóa sử dụng nước sạch tại trường học.
Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Trị hiện nay là tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt, suy thoái nguồn nước ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến tính bền vững công trình và khó khăn trong đảm bảo chất lượng nước, nhất là công trình có quy mô nhỏ.
"Mặt khác, nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với công trình cấp nước nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến công trình nhanh hư hỏng, xuống cấp; hoạt động kém hiệu quả, thậm chí ngừng hoạt động sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Đặc biệt, các công trình cấp nước tập trung nông thôn ở khu vực miền núi có chi phí đầu tư cao, nhưng tính bền vững không cao do thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai gây sạt lở, bồi lấp hư hỏng công trình", Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị thông tin.
Hữu Thành