Kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2025 đang dần hé lộ những kết quả ban đầu, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn cho thấy tín hiệu tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều công ty lãi nghìn tỷ đồng
Ông lớn ngành chăn nuôi phía Bắc là Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) chứng kiến đà tăng mạnh, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính như thức ăn chăn nuôi, gia súc gia cầm, dầu thực vật đều đạt kết quả tốt.
Doanh thu 6 tháng ước đạt 12.537 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2024 Lợi nhuận sau thuế đạt mức kỷ lục 1.013 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2024 và sớm vượt kế hoạch năm.
Lợi nhuận bán niên của Dabaco lần đầu vượt mức nghìn tỷ đồng. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Theo KBSV, động lực cho kết quả kinh doanh vượt trội của Dabaco là giá heo neo ở mức cao 68.000 đồng/kg ở miền Bắc trong khi chi phí nuôi của tập đoàn chỉ ở mức 46.000 – 51.000 đồng/kg.
Lãnh đạo tập đoàn này còn cho biết trong kỳ vừa qua đã triển khai hàng loạt dự án trang trại công nghệ cao tại nhiều địa phương trọng điểm, nhằm thực hiện chiến dịch mở rộng toàn quốc.
Sang quý III, tập đoàn sẽ khởi công tiếp các dự án trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi bao gồm: Nhà máy TACN tại Hà Tĩnh (dự kiến khởi công tháng 7/2025), tiếp theo là các dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Quảng Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lào Cai…
Dabaco đặt mục tiêu sẽ hình thành hệ thống trang trại công nghiệp lớn nhất Việt Nam, theo đó sẽ nâng tổng đàn lợn nái cơ bản lên 80.000 con và trên 2 triệu con lợn thịt vào năm 2028.
Công ty Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) cũng tiết lộ lợi nhuận đã đạt 60% so với kế hoạch năm được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.
Trong năm nay, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần 5.514 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.114 tỷ. Như vậy, qua nửa đầu năm, công ty ước tính thực hiện được khoảng 668 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết kết quả khả quan nhờ giá bán chuối duy trì mức cao ổn định từ đầu năm, dù chưa phát sinh doanh thu sầu riêng. Trong nửa còn lại của năm, HAGL sẽ ghi nhận thêm doanh thu từ mảng sầu riêng – lĩnh vực được kỳ vọng tiếp tục đóng góp hiệu quả cho lợi nhuận hợp nhất.
Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo đang tiến hành rà soát và điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận thêm 1.500 tỷ, tức mục tiêu mới là lãi 2.500 tỷ đồng trong năm nay (chủ yếu nhờ kỳ vọng ghi nhận khoản thu nhập bất thường hơn 1.000 tỷ đồng).
Ở lĩnh vực hàng không, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) ước tính tổng doanh thu 11.700 tỷ và lợi nhuận 5.851 tỷ đồng trước thuế trong kỳ họp cổ đông gần đây. Con số lợi nhuận giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch HĐQT Vũ Thế Phiệt cho biết hoạt động cốt lõi đều đạt kế hoạch đề ra, song diễn biến tỷ giá đồng yen Nhật cao gây ra khoản lỗ tỷ giá hơn nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Kết toán trưởng Nguyễn Văn Nhung bổ sung tỷ giá yen Nhật so với VND từ đầu năm đã tăng từ 153 lên 173 và dự kiến tăng lên 185 vào cuối năm. Do vậy, ACV có thể lỗ tỷ giá lên tới 1.700 tỷ đồng năm nay.
Lợi nhuận ACV dự kiến giảm vì ảnh hưởng bởi đồng yen Nhật. Ảnh: Huy Lê.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) trong kỳ họp cổ đông cũng tiết lộ doanh thu vận tải hàng không 22.100 tỷ đồng, vượt 5,9% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế quý II khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2025 của hãng rất tích cực. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng ước trên 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất cũng trên 5.000 tỷ đồng. Đây là sự phục hồi và tăng trưởng mạnh của hãng hàng không quốc gia.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) tương tự thông báo với cổ đông đạt xấp xỉ 40% chỉ tiêu doanh thu được giao, cụ thể trên 11.500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 43% kế hoạch năm, khoảng 2.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết đang tập trung các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đồng thời yêu cầu các đơn vị thành viên tăng sản lượng cao su ít nhất 7% trở lên và tiết kiệm chi phí thêm khoảng 5%.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Gemadept (Mã: GMD) có cập nhật về kết quả kinh doanh nửa đầu năm tại cuộc họp cổ đông thường niên vừa qua. Doanh thu theo đó ước đạt 2.760 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế ước tính 1.100 tỷ đồng, tương đương 61% kế hoạch cơ bản hoặc 55% so với kế hoạch phấn đấu. Con số này giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp khả quan
Ở lĩnh vực dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex- Mã: VGT) cho biết doanh thu hợp nhất ước đạt 9.035 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm và tăng 8% so với cùng kỳ 2024. Lợi nhuận hợp nhất gần 556 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch năm và tăng 97% so với cùng kỳ.
Kết quả khả qua nhờ khối doanh nghiệp ngành may thực hiện chiến dịch “90 ngày làm việc thần tốc,” tận dụng tối đa các đơn hàng đã ký kết, nỗ lực cao độ, quyết tâm về đích các đơn hàng của quý II trong 90 ngày (trước 5/7/2025).
Doanh nghiệp dệt may tăng mạnh doanh thu trong thời gian hoãn thuế đối ứng. Ảnh: VGT.
Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) mới công bố doanh thu 6 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục 4.073 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2024 và hoàn thành 50% kế hoạch năm.
Trong khi Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) ước tính doanh thu 5 tháng đầu năm đạt 1.607,5 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 138,7 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và hoàn thành phân nửa kế hoạch năm 2025.
Một số đơn vị khác cũng có kết quả bán khá thuận lợi. Công ty Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (Mã: ICN) mới thông qua ước tính doanh thu hơn 370 tỷ và lợi nhuận bán niên 136 tỷ đồng, đều tăng trưởng hơn 60%.
Kết quả trên tương đương hơn 84% mục tiêu doanh thu và gần 91% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2025.
Ban lãnh đạo đặt nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực xây lắp là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trước mùa mưa, hoàn thiện các bước pháp lý cho khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - CONAC mở rộng và nhà ở xã hội Mỹ Xuân B1...
Tại cuộc họp cổ đông hôm 26/6, lãnh đạo công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS) tiết lộ doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 1.531 tỷ đồng, tương đương 51% kế hoạch năm. Lợi nhuận hơn 280 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Công ty dịch vụ hàng không này đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.183 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 555 tỷ đồng, tương ứng mức tăng lần lượt 3% và 10% so với thực hiện năm 2024.
Hay với lĩnh vực thủy sản, công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex - Mã: FMC) báo cáo doanh số tiêu thụ chung chung đạt 135,6 triệu USD (khoảng hơn 3.550 tỷ đồng), tăng 43% so cùng kỳ bán niên 2024.
Phía doanh nghiệp nói thêm có các hợp đồng tiêu thụ ổn định, cộng với năng suất nuôi khá tốt sẽ giảm góp phần giá thành, tăng sản lượng chế biến. Hiện công ty này đang vào vụ thu hoạch tôm ở các vùng nuôi.
Huy Lê