Trong bức tranh kinh tế Việt Nam năng động, dòng chảy lao động nhập cư từ các tỉnh, thành khác đóng vai trò như “mạch máu”, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho các khu công nghiệp, nhà máy và dịch vụ, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế lớn như: Đồng Nai, Bình Dương hay Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi dòng chảy này có dấu hiệu đảo chiều, hoặc chậm lại đáng kể, nhiều doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với tình trạng “hụt hơi” nghiêm trọng.
Sự dịch chuyển lao động, đặc biệt là sự rời đi của lao động nhập cư, có thể gây ra những tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các DN.
Nhiều vị trí việc làm ở Đồng Nai vắng lao động đến phỏng vấn tại sàn việc làm. Ảnh: Bích Nhàn
Sự phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư đã trở thành một đặc điểm cố hữu của nhiều ngành công nghiệp tại các tỉnh, thành phát triển. Các khu công nghiệp sầm uất được xây dựng dựa trên nguồn cung lao động giá rẻ và sẵn có từ các vùng nông thôn hoặc các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn hơn. Nhờ đó, DN có thể duy trì chi phí sản xuất cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều yếu tố đang tác động đến xu hướng di cư lao động, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực và gây ra những thách thức không nhỏ cho DN. Hậu quả của việc người nhập cư rời đi đối với DN là không hề nhỏ. Nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư để đảm bảo hoạt động trơn tru của các khâu sản xuất và vận chuyển. Sự gián đoạn trong nguồn cung lao động có thể kéo theo sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí logistics, gây khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu thị trường và làm giảm tính cạnh tranh của DN.
Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, để thực hiện đơn hàng trong năm 2025 và “lấp vào” các vị trí trống do công nhân xin nghỉ sau Tết Nguyên đán, công ty có nhu cầu tuyển thêm chỉ hơn 20 người nhưng rất vất vả.
“Một công nhân mới vào nghề, chưa có chuyên môn sẽ được trả khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đã đăng tin tuyển dụng lên nhiều kênh từ online đến offline hay qua sự giới thiệu của những người trong công ty. Ngoài lương cơ bản, chúng tôi còn tăng phụ cấp về đi lại hay chuyên cần… nhưng phải mất cả vài tháng mới tuyển đủ người” - ông Đoàn nói.
Nhiều đơn vị tuyển số lượng lớn lao động trong các lĩnh vực như: may mặc, giày da, điện tử, bảo hiểm nhân thọ, dịch vụ tài chính... với nhiều vị trí việc làm, đặc biệt là lao động phổ thông nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng. Ảnh: Bích Nhàn
Tình trạng khó tuyển này không chỉ gặp ở vài DN mà diễn ra trên diện rộng. Nhiều DN đã phải đăng tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai tổ chức để mong tuyển đủ chỉ tiêu. Trong năm 2024, đơn vị này thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của 871 DN với nhu cầu tuyển dụng là 94.562 lao động. Hay mới nhất, vào ngày 25-4-2025, có 28 DN đăng ký tham gia tuyển dụng với tổng nhu cầu hơn 3,8 ngàn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông nhưng chỉ tuyển được khoảng 400 người, chỉ đạt gần 6% so với nhu cầu.
Theo ghi nhận, nhu cầu tuyển dụng vẫn chủ yếu trong các ngành may mặc, giày da, điện tử. Ngay cả lao động phổ thông đã thiếu thì lao động có tay nghề tham gia tìm việc tại sàn lại càng thiếu hơn.
Bà Yang Jia Yan, Giám đốc nhân sự, Công ty TNHH Topband Smart Đồng Nai, huyện Long Thành (sản xuất linh kiện điện tử) cho hay, tín hiệu vui với DN trong những tháng đầu năm 2025 là đơn hàng tăng, do đó, công ty mở rộng sản xuất và có nhu cầu tuyển khoảng 2 ngàn lao động ở nhiều vị trí như: nhân viên xuất nhập khẩu, kế toán, kinh doanh, tổ trưởng chất lượng, lao động phổ thông… với mức lương từ 10-12 triệu đồng/tháng.
“Do cần số lượng lao động lớn nên chúng tôi đã làm nhiều cách để tuyển dụng và tuyển dụng liên tục. Ngoài đảm bảo lương, bảo hiểm các loại, phụ cấp, chúng tôi đưa ra chương trình thưởng cho nhân viên giới thiệu lao động vào làm việc và cả công nhân mới vào làm việc từ 1-2 triệu đồng/người” - bà Yan cho biết thêm.
Thực trạng phổ biến hiện nay là không có sự liên kết và điểm chung giữa năng lực, kinh nghiệm, mong muốn của người lao động và các yêu cầu tuyển dụng, phúc lợi của doanh nghiệp. Ảnh: Bích Nhàn
Sở Nội vụ thông tin, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 500 DN đăng ký tuyển dụng với nhu cầu hơn 24 ngàn lao động. Các DN tuyển nhiều vị trí việc làm, trong đó phần lớn là lao động phổ thông. Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng sản xuất, nhiều DN cũng đang tuyển lao động số lượng lớn để bù vào số lượng lao động nghỉ Tết nhưng không quay lại làm việc.
Và để tuyển được người làm, ngoài mức lương thu hút, nhiều DN sẵn sàng tuyển cả những người 45 tuổi, có sức khỏe tốt và chăm chỉ nhưng vẫn chưa đủ và khó tuyển.
Chị Mai Tuyết, Bộ phận nhân sự Công ty CP Sơn Đồng Nai tâm tư: “Ngày xưa, chúng tôi chỉ cần treo biển tuyển dụng ở cổng công ty là người lao động tự đến nộp hồ sơ ứng tuyển. Hồ sơ nhiều hơn nhu cầu tuyển nên DN có quyền “lựa chọn”. Nhưng từ dịch Covid-19 đến nay, ngay cả đến sàn giao dịch việc làm, người đến tuyển còn đông hơn cả người đi xin việc. Trong đó, người lao động phổ thông lại có sự “biến động” nhiều nhất và cũng khó đạt chỉ tiêu tuyển mỗi năm”.
Theo đại diện nhiều DN, thời điểm này, những công ty mới thành lập dưới 3 năm thì việc tuyển lao động với số lượng lớn là không hề đơn giản. Trong khi, yêu cầu đối với người lao động lại khá dễ dàng, công nhân chỉ cần biết đọc, biết viết, chăm chỉ và không cần có tay nghề. Còn ở phân khúc lao động có tay nghề và những vị trí liên quan đến kỹ thuật, DN lại càng khó “săn” người hơn.
Các doanh nghiệp đang phải “cạnh tranh” tuyển lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề hay đã qua đào tạo trong các lĩnh vực như kỹ thuật hay tự động hóa. Ảnh: Bích Nhàn
Chị Du Thị Thùy Tâm, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Asian Blending, huyện Long Thành bày tỏ, các DN tại khu công nghiệp ở Long Thành, Nhơn Trạch đang phải “cạnh tranh” tuyển lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề hay đã qua đào tạo trong các lĩnh vực như kỹ thuật hay tự động hóa.
“Các DN cũng phải “tung” nhiều “chiêu” để thu hút lao động. Làm việc tại công ty, họ vừa có bảo hiểm, vừa có phụ cấp cơm trưa, thậm chí tuyển cả người 45 tuổi, chỉ cần còn sức khỏe lao động. Dù chỉ tuyển khoảng 300 người nhưng cũng “trầy trật” suốt nhiều tháng liền vẫn chưa đủ” - chị Tâm nói.
Ông Nguyễn Công Đoàn cho biết thêm, Công ty TNHH Daikan Việt Nam “có mặt” tại Đồng Nai được 15 năm, trong đó, từ năm 2010-2017, hồ sơ ứng tuyển và người lao động của công ty chủ yếu là ở miền Bắc, miền Trung. Nhưng từ 2018 trở lại đây, phần lớn người lao động xin việc đều ở tại Đồng Nai hoặc các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
“Tôi thấy có sự dịch chuyển rõ rệt về lực lượng lao động các vùng miền tại các khu công nghiệp. Trong 100 hồ sơ xin việc, chỉ có khoảng 6-7 hồ sơ là người từ miền Bắc, miền Trung. Nguyên nhân vì ngay khi trên mảnh đất quê hương mọc lên các khu công nghiệp, họ đã chọn ở lại quê nhà để giảm áp lực” - ông Đoàn bày tỏ.
Theo phân tích của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, có nhiều nguyên nhân khiến người lao động “rút khỏi” thị trường lao động tại các khu công nghiệp, nhưng cốt lõi vẫn là do thu nhập và điều kiện sống không đủ đảm bảo cho một cuộc sống ổn định lâu dài.
“Chi phí sinh hoạt tại các khu đô thị công nghiệp như tiền thuê trọ, điện nước, thực phẩm, học hành cho con cái đều tăng, trong khi tiền lương và phúc lợi của người lao động không tăng tương xứng” - bà Bùi Thị Bích Thủy, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai phân tích.
Ngoài ra, bà Thủy cho rằng, một số DN vẫn chưa có chính sách đãi ngộ linh hoạt, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao, nhà ở công nhân khiến người lao động cảm thấy khó khăn khi bám trụ tại khu công nghiệp. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, người lao động có xu hướng dịch chuyển việc làm theo hướng tự do như: bán hàng online, giao hàng công nghệ, làm việc tại quê nhà hoặc chuyển sang các tỉnh có chi phí sinh hoạt thấp hơn.