Loay hoay thu phí đỗ ô tô ở TP HCM: Áp dụng công nghệ và đấu thầu

Loay hoay thu phí đỗ ô tô ở TP HCM: Áp dụng công nghệ và đấu thầu
8 giờ trướcBài gốc
Việc thu phí đỗ ô tô ở lòng đường có mục tiêu không chỉ là thu phí cho ngân sách mà còn phải bảo đảm thu đúng, thu đủ, đạt được mục tiêu ban đầu là lập lại nền nếp, ổn định trật tự lòng đường, tránh tình trạng đỗ ô tô vô tội vạ, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Đỗ xe văn minh nhờ công nghệ
Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, ở các nước, việc thu phí đỗ ô tô ở lòng đường được triển khai rất đơn giản nhưng hiệu quả cao. Cụ thể, ở 2 đầu đường, người ta bố trí các trụ thu phí tự động. Người dân chỉ cần bỏ tiền vào trụ, nhận biên lai rồi dán lên kính trước cửa xe. Nếu đậu quá giờ, camera sẽ ghi nhận và có nhân viên thu phí đi xe đạp đến dán giấy phạt, cứ 30 phút sẽ phạt một lần. Nếu chủ xe không đóng phạt thì khi đi đăng kiểm cũng phải chấp hành. Tại
TP HCM, việc thu phí đỗ ô tô cũng nên áp dụng công nghệ này. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong (TNXP) thí điểm công nghệ thu phí tự động RFID bước đầu cho hiệu quả tốt nên cần phát huy.
Thành phố nên xem xét tổ chức đấu thầu, xã hội hóa hoạt động thu phí đỗ ô tô để nâng cao tính hiệu quả. Theo đó, chúng ta đấu thầu trên từng tuyến đường với mức phí hợp lý do thành phố ban hành, để các doanh nghiệp cùng tham gia. Nếu doanh nghiệp nào áp dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, thành phố có thể khuyến khích bằng cách cho thời gian gói thầu 5 - 7 năm để doanh nghiệp thu hồi vốn.
Một chuyên gia trong ngành giao thông cho biết so với phần mềm My Parking - buộc người dân có nhu cầu đỗ ô tô phải cài phần mềm mới trả phí - thì công nghệ thu phí tự động RFID tiện lợi hơn. Người dân không cần cài phần mềm, khi xe đến ô đỗ, nhân viên thu phí sẽ cầm máy đến quét biển số xe, sau đó tiền phí sẽ trừ tự động vào tài khoản. Với cách làm này, thực tế vẫn có sự tác động của con người và cần sự trung thực để tránh trường hợp thất thoát phí.
Theo chuyên gia này, thực tế, tại Nhật Bản, việc thu phí đỗ ô tô ở lòng đường cũng không thể áp dụng 100% công nghệ tự động, vẫn có sự can thiệp của nhân viên thu phí dù họ có đặt trụ thu phí tại các tuyến đường có thu phí. Việc đặt trụ thu phí sẽ giúp người dân chủ động quẹt thẻ, tính tiền khi nhân viên chưa có mặt kịp thời. Tại Việt Nam cũng vậy, song song với công nghệ, người dân cần nâng cao ý thức sử dụng các dịch vụ công cộng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự.
"Mục đích của việc thu phí đỗ ô tô ở lòng đường là giúp lập lại trật tự lòng đường, giải quyết tình trạng ô tô đỗ vô tội vạ, mang lại nền nếp, tạo thói quen cho người dân và không đặt nặng mục tiêu thu tiền vào ngân sách. Tuy nhiên, việc thu phí phải bảo đảm thu đúng, thu đủ. Theo tôi, để việc thu phí hiệu quả trong thời gian tới, đơn vị vận hành là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích TNXP nên đặt trụ thu phí trên các tuyến đường có thu phí. Song song đó, lực lượng TNXP sẽ giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ người dân" - chuyên gia này cho biết.
Theo chuyên gia này, dù áp dụng công nghệ, có con người hỗ trợ thì tại TP HCM vẫn cần lực lượng chức năng là công an phường, lực lượng trật tự đô thị đồng hành giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định đóng phí để dần đưa hoạt động này vào khuôn khổ, trên cơ sở đó nhân rộng trên các tuyến đường của thành phố.
Đường Phạm Hữu Chí (quận 5, TP HCM) được thí điểm thu phí đỗ ô tô tự độngẢnh: NGỌC QUÝ
Đấu thầu việc thu phí
Theo KTS Trương Nam Thuận, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh, việc thu phí đỗ ô tô sau 4 năm vẫn lỗ gần 2,2 tỉ đồng không đơn thuần là chuyện thu không đủ chi như báo cáo, mà còn phản ánh một hệ thống quản lý hành chính cồng kềnh, thiếu tính linh hoạt, thiếu cải tiến và dễ tạo ra sự né tránh trách nhiệm. Tiền của ngân sách cứ bỏ ra, mà người dân vẫn phải đối mặt với sự bất tiện.
"Theo tôi, để việc thu phí hiệu quả hơn cần lựa chọn đơn vị thực hiện thông qua đấu thầu công khai và cạnh tranh minh bạch. Các doanh nghiệp tư nhân tham gia cần phải chứng minh năng lực công nghệ, nhân sự và phương án vận hành của mình để có thể giành được hợp đồng. Việc này sẽ bảo đảm rằng chỉ những đơn vị thực sự có khả năng mới trúng thầu. Để tránh tình trạng quản lý lỏng lẻo, doanh nghiệp tư nhân cần cam kết rõ ràng về doanh thu tối thiểu và hiệu quả vận hành. Nếu không đạt được mục tiêu tài chính, phải chịu trách nhiệm. Ngược lại, nếu làm tốt và có lợi nhuận, phần lợi nhuận này sẽ được chia sẻ hợp lý với ngân sách thành phố. Đây là cách để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, cải thiện quy trình và tối ưu hóa dịch vụ" - KTS Trương Nam Thuận đề xuất.
Doanh nghiệp tư nhân trúng thầu sẽ có lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc thu phí, từ đó cải thiện quy trình thu phí và nâng cao trải nghiệm cho người dân.
Giao cho tư nhân thực hiện nhưng KTS Trương Nam Thuận cho rằng cơ quan nhà nước là đơn vị giám sát trực tiếp, xây dựng các quy định, theo dõi việc thực hiện các điều khoản hợp đồng. Doanh nghiệp trúng thầu có trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho lãnh đạo thành phố kết quả thực hiện hằng tháng, giảm bớt việc báo cáo qua trung gian tránh tình trạng "vòng vo trách nhiệm". Riêng cơ quan chức năng cần tạo một hệ thống pháp lý rõ ràng và minh bạch, yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm khi làm sai. Nếu không đạt yêu cầu, sẽ bị phạt hoặc bị rút giấy phép. Ngược lại, nếu làm tốt, sẽ nhận được những khen thưởng xứng đáng và cơ hội hợp tác lâu dài.
Song song đó, doanh nghiệp trúng thầu sẽ chịu sự giám sát của các cơ quan nhà nước và cộng đồng cư dân. Cần bảo đảm rằng việc thu phí phải được công khai và minh bạch, bao gồm việc công khai dữ liệu về số tiền thu được, chi phí vận hành và hiệu quả hoạt động. Cộng đồng cư dân cũng có quyền giám sát, giúp tạo ra một hệ thống kiểm soát 2 chiều, tăng cường tính trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân.
THU HỒNG - ANH VŨ
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/loay-hoay-thu-phi-do-o-to-o-tp-hcm-ap-dung-cong-nghe-va-dau-thau-196250407201018567.htm