Mòn mỏi đợi kiểm chuẩn
Đã gần 3 tháng qua, lãnh đạo Công ty Hiền Phước (chuyên chạy xe khách đường dài tuyến Bắc - Nam) loay hoay tìm kiếm sản phẩm thiết bị GSHT đã được chứng nhận hợp quy theo quy định mới để lắp cho gần 100 xe chở khách. Tuy nhiên, đi nhiều nơi, đến nhiều nhà cung cấp, doanh nghiệp vẫn chưa tìm được sản phẩm.
Dự kiến đến hết quý II/2025, sẽ có hàng trăm nghìn phương tiện phải lắp đặt camera giám sát theo quy chuẩn mới. Ảnh minh họa: Tạ Hải.
"Doanh nghiệp chưa biết mua thiết bị hợp quy ở đâu để lắp. Nếu không lắp thì không đủ điều kiện hoạt động. Nếu lắp thiết bị hiện có trên thị trường lại không đúng quy định theo quy chuẩn mới", ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Hiền Phước chia sẻ.
Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt cho hay, đơn vị đã hỏi nhiều nhà sản xuất nhưng chính họ cũng chưa trả lời được thiết bị đã lắp có được tiếp tục sử dụng nữa hay không.
"Họ cũng đang chờ đợi được kiểm chuẩn để sản xuất và bán ra thị trường. Hàng chục nghìn phương tiện vận tải và nhà sản xuất thiết bị đang đối mặt với nguy cơ đình trệ sản xuất, gián đoạn kinh doanh.
Cơ quan quản lý cần nhanh chóng chỉ định một đơn vị có chức năng kiểm định để chứng nhận thiết bị phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Bằng nói.
Ở góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ trực tuyến SkySoft cho hay, chưa biết đến cơ quan nào làm thủ tục đo kiểm để được chứng nhận hợp quy cho sản phẩm thiết bị giám sát hành trình và camera do đơn vị sản xuất.
"Nhiều đơn vị vận tải cũng không biết lựa chọn sản phẩm nào để lắp trên phương tiện. Trong khi thiết bị cũ đã lắp sắp hết hạn, nếu tiếp tục sử dụng sẽ gặp vấn đề về pháp lý", ông Giang nói.
Hàng trăm nghìn xe nguy cơ dừng hoạt động
Thông tư 62/2024 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định việc sử dụng thiết bị GSHT và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (camera giám sát) phải đáp ứng quy chuẩn QCVN 06:2024/BCA. Các thiết bị bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mới, thay thế cho phần lớn các thiết bị hiện đang được sử dụng.
Nghị định 151/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định bốn loại phương tiện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT và thiết bị ghi hình người lái xe, gồm: Xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên có kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ.
Dữ liệu thu được từ các thiết bị giám sát hành trình sẽ được sử dụng phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, ATGT trong lĩnh vực vận tải. Các thông tin này sẽ được chia sẻ với Cục Đường bộ VN, Sở GTVT các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan theo quy định pháp luật.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho biết, theo quy định, sau khi quy chuẩn mới được ban hành, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chỉ định một đơn vị Nhà nước độc lập có chức năng đo kiểm thiết bị và cấp giấy chứng nhận hợp quy.
Căn cứ vào đó, doanh nghiệp sản xuất thiết bị GSHT theo quy chuẩn mới để cung cấp ra thị trường.
Tuy vậy, đến nay đã gần ba tháng trôi qua kể từ khi Thông tư có hiệu lực nhưng vẫn chưa có đơn vị Nhà nước nào được chỉ định.
"Dự kiến đến hết quý II/2025, sẽ có hàng trăm nghìn phương tiện phải lắp đặt camera giám sát theo quy chuẩn mới, nếu không lắp sẽ không được hoạt động. Do chưa có đơn vị được chỉ định đánh giá sản phẩm hợp quy nên các nhà sản xuất không thể nhập linh kiện để sản xuất.
Mỗi phương tiện khi phải dừng hoạt động sẽ kéo theo nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng doanh thu mất khoảng 2-3 triệu đồng/ngày cho mỗi xe, nhân với 250.000 phương tiện, thì thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày", ông Quyền cho hay.
Gỡ cách nào?
Để giải quyết vấn đề này, ông Quyền cho rằng, để một thiết bị đạt chứng nhận hợp quy theo QCVN 06:2024/BCA, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước phức tạp.
Toàn bộ quy trình này có thể kéo dài từ 3-5 tháng kể từ khi có đơn vị chức năng đo kiểm và chứng nhận hợp quy. Nếu việc chỉ định đơn vị đo kiểm tiếp tục chậm trễ, thị trường sẽ không có đủ thiết bị đáp ứng nhu cầu vào giai đoạn cao điểm.
Vì vậy, ông Quyền cho rằng, cần sự vào cuộc của Bộ Khoa học và Công nghệ để sớm chỉ định đơn vị đo kiểm, nhằm giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động, tránh lãng phí và đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó tổng giám đốc Taxi Mai Linh Hà Nội cho hay, về mặt kỹ thuật, quy chuẩn mới QCVN 06:2024/BCA không có nhiều khác biệt so với quy chuẩn cũ QCVN 31:2021/BGTVT.
Điểm mới chỉ là yêu cầu camera phải có khả năng nhận diện bằng công nghệ AI và thiết bị phải có cổng truyền tốc độ cao. Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu thiết bị sẽ được Cục CSGT xây dựng để phân luồng, kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải, đảm bảo trật tự ATGT.
"Cục CSGT chỉ xây dựng, ban hành và giám sát việc thực hiện quy chuẩn mới. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định để ban hành quy chuẩn. Đơn vị đo kiểm, thẩm định thiết bị phải là đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hiện nay, cả nước có khoảng 250.000 phương tiện đã lắp đặt camera giám sát theo TCVN 13396:2021, trong đó hơn 90% thiết bị đã được cấp chứng nhận phù hợp.
Ngoài ra, còn hàng chục nghìn thiết bị có giấy chứng nhận hợp chuẩn nhưng chưa được lắp đặt. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm chỉ định một đơn vị đo kiểm chuẩn để đơn vị sản xuất làm căn cứ nhập thiết bị, sản xuất sản phẩm kịp tiến độ", ông Hùng nói.
Không lắp thiết bị GSHT bị phạt 3-5 triệu đồng
Trao đổi với PV, đại diện đơn vị nghiệp vụ của Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, lực lượng CSGT sẽ xử phạt đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị GSHT của xe theo quy định hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định; hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị GSHT của xe ô tô.
Như vậy, phương tiện kinh doanh vận tải không lắp đặt thiết bị GSHT hoặc có lắp thiết bị nhưng cố tình ngắt kết nối, không cung cấp dữ liệu hành trình của phương tiện khi lực lượng chức năng yêu cầu theo quy định, thì sẽ bị xử phạt.
Chế tài xử phạt hành vi trên căn cứ vào các quy định của Nghị định 123/202 với mức phạt từ 3-5 triệu đồng.
"CSGT không kiểm soát hay quản lý việc đơn vị kinh doanh vận tải lắp thiết bị GSHT (tự mua sắm, tự trang bị), miễn sao khi cơ quan chức năng có yêu cầu, phương tiện cung cấp được dữ liệu theo quy định là được.
Cục CSGT khuyến cáo, đối với trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải tự mua sắm, tự lắp đặt cần đảm bảo nguồn gốc, chất lượng kết nối của thiết bị đó. Các đơn vị này nên tìm hiểu những thiết bị có nguồn gốc rõ ràng, của nhà sản xuất có uy tín để tránh bị mất dữ liệu hay sự cố khác liên quan dữ liệu", vị đại diện nói.
Hoàng Lam (ghi)
Hải Nam