Lọc máu để loại mỡ máu, ngăn ngừa đột quỵ: chưa đủ căn cứ khoa học

Lọc máu để loại mỡ máu, ngăn ngừa đột quỵ: chưa đủ căn cứ khoa học
5 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, chuyên gia y tế khuyến cáo, lọc máu để phòng ngừa đột quỵ như thông tin quảng cáo là chưa có đủ căn cứ khoa học. Lọc máu chỉ được chỉ định khi mắc bệnh cần điều trị.
Chưa có khuyến cáo về việc lọc máu dự phòng
Trước trào lưu nhiều người rủ nhau đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu, loại bỏ máu xấu, ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ: “Nếu chỉ cần 2 - 3 tiếng với chi phí chưa đến chục triệu đồng mà phòng ngừa được đột quỵ, hết cả mỡ máu, tiểu đường... thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp. Một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn của các hội chuyên ngành nhưng cho đến thời điểm này chưa có khuyến cáo nào cho việc lọc máu dự phòng".
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị, nghĩa là khi đã được chẩn đoán xác định là có bệnh thực sự. Đây là phương pháp rất hiệu quả cứu sống nhiều bệnh nhân như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tụy cấp ...
Kỹ thuật lọc máu để điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bác sĩ Ngô Hùng
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng cảnh báo, lọc máu nói chung và DFPP (phương pháp xử lý lọc huyết tương hai lần để loại bỏ có chọn lọc các tác nhân gây bệnh phân tử lớn) nói riêng dẫn đến 3 hậu quả nghiêm trọng có thể gây tử vong. Phương pháp thanh lọc máu như thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo, siêu lọc máu cho đến DFPP, rủi ro đều như nhau.
Trong đó, hội chứng mất cân bằng là phổ biến nhất. Đông máu trong lòng mạch là di chứng dễ gây ra nhất; thuyên tắc khí là nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.
Bác sĩ Trần Văn Phúc phân tích, hội chứng mất cân bằng là biến chứng hầu hết bệnh nhân sẽ gặp phải sau khi lọc máu. Đặc biệt, với những bệnh nhân có nồng độ nitơ urê trong máu cao, có thể gặp một số triệu chứng khó chịu ở giai đoạn đầu của quá trình thanh lọc như buồn nôn, đau đầu, co giật, huyết áp cao, thậm chí hôn mê.
Đông máu nội mạch có thể xảy ra sau khi lọc máu. Về mặt lâm sàng, các yếu tố như hạ huyết áp, tuổi thọ của máy lọc máu, liều lượng heparin không đủ, là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đông máu.
Tắc mạch do bóng khí xảy ra trong quá trình lọc máu mà nhân viên y tế thao tác để xảy ra sơ suất, không khí có thể xâm nhập vào mạch máu gây ra thuyên tắc khí, có thể dẫn đến suy tim hoặc thậm chí tử vong ở bệnh nhân.
Thận trọng trước thông tin quảng cáo
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Mạch máu Việt Nam cho biết, lọc mỡ máu là phương pháp lọc huyết tương hai quả lọc, dành cho người bệnh nặng như tăng lipid máu có nguy cơ tắc mạch máu bất kỳ lúc nào, bệnh đa u tủy xương… chứ không phải phương pháp phòng ngừa bệnh.
Trong máu có rất nhiều thành phần như bạch cầu, tiểu cầu, một phần lipid, các chất miễn dịch khác. Nếu lọc toàn bộ chất trong máu có thể vô tình loại bỏ những chất tốt. Mỡ máu gồm hai loại là mỡ tốt và mỡ xấu. Nếu lọc hết mỡ máu có thể loại bỏ cả mỡ tốt. Trong khi đó, các loại mỡ tốt còn có chức năng làm tăng collagen cho thành mạch, tốt cho não.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, lọc máu để phòng ngừa đột quỵ như thông tin quảng cáo hay tư vấn của một số cơ sở y tế là chưa có đủ căn cứ khoa học.
Người dân nên thận trọng không tin vào quảng cáo hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm. Một số bệnh nhân hoặc cơ sở y tế có thể lạm dụng lọc máu khi chưa thực sự cần thiết dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào máy móc, làm suy giảm chức năng thận còn lại và gây ra các biến chứng như tụt huyết áp, mất cân bằng điện giải, thậm chí tăng nguy cơ đột quỵ.
Thực tế, phòng ngừa đột quỵ là một quá trình dài hạn, đòi hỏi sự chủ động trong việc duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
Một trong những biện pháp quan trọng nhất là duy trì huyết áp ổn định. Người có nguy cơ nên hạn chế muối, tránh căng thẳng và tuân thủ điều trị nếu có bệnh lý nền. Chế độ ăn uống khoa học giàu rau xanh, trái cây, thực phẩm ít chất béo bão hòa và cholesterol giúp kiểm soát mỡ máu, giảm nguy cơ số mỡ động mạnh; thường xuyên tập thể dục, từ bỏ thuốc lá và hạn chế rượu, bia.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, người mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt vì lượng đường cao trong máu có thể làm tổn thương mạch máu não. Quan trọng hơn, việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và biện pháp can thiệp kịp thời.
Lọc máu được chỉ định cho những trường hợp mắc các bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Quan điểm mỡ máu cao có thể gây đột quỵ đúng nhưng chưa đầy đủ. Bởi mỡ máu cao có thể dẫn đến đột quỵ hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để phòng ngừa đột quỵ cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ chứ không chỉ điều trị mỡ máu.
Nhiều người có suy nghĩ bị mỡ máu cao, chỉ cần lọc máu sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ là quan điểm sai lầm. Hiện Việt Nam chưa có hướng dẫn và chỉ định lọc máu để điều trị hay dự phòng đột quỵ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh - Khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đại Y Hà Nội (cơ sở Hoàng Mai)
Hà Linh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/loc-mau-de-loai-mo-mau-ngan-ngua-dot-quy-chua-du-can-cu-khoa-hoc.html