Người đàn ông trẻ 'chạm tử thần' từ sai lầm sau đêm mưa

Người đàn ông trẻ 'chạm tử thần' từ sai lầm sau đêm mưa
5 giờ trướcBài gốc
2 lần đột quỵ ở tuổi 3X
Giọng nói hơi ngọng của người sau đột quỵ, anh Bùi Đình Hoàng (sinh năm 1988, trú tại Chợ Lách, Bến Tre) kể về cơn đột quỵ xảy ra sau buổi tắm đêm gần 2 năm trước.
Tháng 2/2021, anh Hoàng phát hiện mình mệt mỏi, yếu nửa người và được đưa vào Bệnh viện huyện Củ Chi (TPHCM) cấp cứu. Tại đây, anh được chẩn đoán đột quỵ do tăng huyết áp và bác sĩ đã sử dụng can thiệp lấy huyết khối và dùng thuốc tiêu sợi huyết. Vì cấp cứu trong thời gian vàng, anh Hoàng giữ được mạng sống, không có nhiều di chứng.
Từ khi ra viện, anh chăm chỉ tập luyện hơn và chú ý đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày. Anh Hoàng vẫn uống thuốc hạ huyết áp theo bác sĩ tư vấn.
Một buổi tối tháng 6/2023, anh Hoàng đi làm về gặp mưa, quần áo ướt sũng. Dù đã khuya nhưng người đàn ông này vẫn cố tắm cho sạch sẽ.
Ra khỏi nhà tắm, anh Hoàng thấy người mệt, cảm giác bải hoải chân tay và nghĩ rằng cảm lạnh do nước mưa. Triệu chứng càng nặng hơn nên anh bảo vợ gọi xe đưa vào bệnh viện. Trong lúc chờ xe, anh Hoàng đã khụy xuống, yếu liệt nửa người, anh nghĩ tới khả năng đột quỵ tái phát.
“Vợ kể lại, lúc đó bác sĩ báo tôi đã chết não, không cứu được nên đưa về nhà lo hậu sự. Gia đình vẫn cố gắng hy vọng còn nước còn tát nên thuê xe cấp cứu chở lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Tại đây, tôi được mổ não và may mắn giữ được mạng sống. Tuy nhiên, di chứng đột quỵ khiến tôi trở thành tàn phế”, anh Hoàng nói.
Các bác sĩ chuẩn bị một ca can thiệp đột quỵ. Ảnh: Phương Thúy.
Ân hận vì tắm đêm
Mỗi ngày, người đàn ông này đều cảm thấy chán nản và hối tiếc vì bỏ bê sức khỏe khi còn trẻ. Anh ước có thể quay trở lại gần 2 năm trước, không tắm đêm thì cơn đột quỵ đã không xảy ra.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM, đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân có thể do mạch máu não vỡ hoặc nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu não). Tỷ lệ nhồi máu não chiếm 80% số ca đột quỵ.
Ba dấu hiệu điển hình của đột quỵ gồm mặt méo, yếu liệt tay chân, nói đớ (ngọng). Đa số bệnh nhân đưa đến bệnh viện đều quá thời gian vàng cấp cứu. Việc tắm đêm không gây đột quỵ nhưng thúc đẩy cơn tai biến ở người có bệnh nền tăng huyết áp.
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho hay, trong gần 20.000 ca cấp cứu đột quỵ hằng năm tại đây cũng có các trường hợp gặp nạn sau khi tắm đêm, nhưng cũng có nhiều người chỉ mới có ý định đi tắm chưa xối nước.
Tuy nhiên, y khoa chưa có chứng cứ đáng tin cậy về một việc đang làm (trong đó có tắm đêm, ăn cơm, làm việc) liên quan tới đột quỵ mà chỉ là yếu tố thúc đẩy trên người có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh rung nhĩ, mỡ máu.
Đột quỵ có thể ngăn ngừa bằng cách kiểm soát bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Người dân cần phải tầm soát, khám thường xuyên. Người có các bệnh lý trên cần hạn chế hành động tắm đêm.
Bác sĩ Cường nhận định trường hợp của anh Hoàng là điển hình của người trẻ chủ quan. Đa số người trẻ đều nghĩ rằng đột quỵ không bao giờ xảy ra với mình nên không quan tâm. Họ có thể lướt điện thoại cả giờ nhưng rất ngại thay đổi lối sống của chính mình.
Bác sĩ Cường khuyến cáo, mỗi người nên quan tâm và hành động vì sức khỏe của chính mình.
Video cách sơ cứu đột quỵ:
Phương Thúy
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/noi-an-han-cua-nguoi-dan-ong-tre-bi-dot-quy-vi-sai-lam-sau-dem-mua-2372236.html