Lội bùn săn cáy
Nằm uốn mình bên dòng sông Lam, khu rừng bần xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, Nghệ An có chiều dài khoảng 4km, chỗ rộng nhất khoảng 1km, nơi hẹp nhất 300m. Bên cạnh chức năng bảo vệ hệ thống đê điều chống ngập mặn, ngăn chặn tình trạng xói lở, đây còn là hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật dưới nước có giá trị cao về dinh dưỡng và kinh tế như cá, tôm, cáy... Tận dụng nước triều xuống mỗi ngày, người dân ngoại thành Vinh thường tập hợp thành từng nhóm để đi săn cáy, cho thu nhập khá mỗi ngày.
Khu rừng bần xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, Nghệ An
Nhiều năm nay, săn đặc sản dưới cánh rừng ngập mặn là sinh kế của chị Trần Thị Thúy (35 tuổi, trú xã Hưng Hòa, thành phố Vinh). Thời gian bắt đầu công việc của chị tùy thuộc vào thời điểm nước rút. “Thời điểm săn cáy thường không cố định vì tùy thuộc vào thủy triều lên xuống. Dưới bùn có nhiều mối nguy cơ, để tránh bị đá, mảnh chai, mảnh sành cứa vào chân, tôi phải chuẩn bị đầy đủ ủng, bao tay bảo vệ, lúc lội bùn phải cẩn thận vì có thể dẫm vào vùng trũng, bị sụt lún”, chị Thúy chia sẻ.
Mùa cáy thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Khác với cua, loài giáp xác này di chuyển rất nhanh. Khi phát hiện động tĩnh chúng thường chạy thẳng về hang để ẩn náu. Vì vậy, những “thợ săn” thường đi dọc các vùng đầm lầy ven rừng ngập mặn để bắt cáy từ trong hang.
“Công việc này không cần đầu tư vốn, dụng cụ hành nghề thô sơ nhưng phải có sức khỏe dẻo dai, chịu được mưa nắng. Hang cáy ẩn nấp dưới lớp bùn sâu, có những con đào nhiều hang nối liền với nhau. Vì vậy, khi móc vào hang phải thật nhanh và chính xác, nếu không chúng sẽ chạy đến hang khác”, chị Thúy nói.
Lội bùn săn cáy ở khu rừng bần Hưng Hòa
Là một trong số những thợ săn cáy lâu năm, theo bà Bùi Thị Hồng (56 tuổi), nghề săn bắt cáy trong rừng ngập mặn đòi hỏi kinh nghiệm, cùng sự khéo léo nên chủ yếu là phụ nữ tham gia. Dùng tay xắn những lớp bùn lầy để tìm sản vật mà “mẹ thiên nhiên” ban tặng, đôi khi họ cũng quơ phải mảnh sành, vật nhọn hoặc vỏ hàu, vỏ ốc gây rách da, tứa máu.
“Săn cáy không mất nhiều sức nhưng cần chịu khó vì phải lội bùn rất lâu. Mặc dù tôi đã đi hai lớp tất để bảo vệ nhưng bị hàu cứa chân hay dẫm phải mảnh thủy tinh là chuyện xảy ra như cơm bữa”, bà Hồng cho hay. Sau 3 giờ lội bùn, bà Hồng bắt được 4 kg cáy bán với giá dao động 60 – 80 nghìn đồng/kg. Cáy là một trong những đặc sản được thị trường rất ưa chuộng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào, rang, nấu canh, làm mắm,...
Cáy là một trong những đặc sản được thị trường rất ưa chuộng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Sản vật trù phú
Cách đó không xa, chị Nguyễn Ngọc Bích (40 tuổi) lại chọn nghề bắt cá nâu giống (hay còn gọi là cá dĩa) ở khu vực rừng bần. Chị Bích rời nhà lúc 3 giờ sáng, với chiếc vợt, xô chứa nước và thùng xốp có sục khí oxy. Để bắt được cá nâu giống, chị phải băng qua rừng bần, lội ra sát mép sông, dùng vợt cẩn thận vớt từng con cá bé cỡ hạt đậu đen. “Bắt cá nâu giống phải kiên trì, nhẹ nhàng, nâng như nâng trứng nhưng bù lại cá được giá. Cá nâu giống này tôi nhập cho các cơ sở nuôi cá cảnh hoặc cho người dân nuôi cá thịt, 500 đồng một con. Mùa này bắt cá giống, vài tháng nữa thì bắt cá nâu thịt. Cá thịt 200.000 đồng/kg, có bao nhiêu họ mua hết”, chị Bích chia sẻ.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sự đa dạng sinh học ở rừng ngập mặn này, người dân chủ yếu sử dụng chính đôi tay của mình để bắt cua, tôm, cáy; hoặc những công cụ đánh bắt thô sơ, không sử dụng kích điện, lưới bát quái để khai thác theo kiểu tận diệt.
Hàng ngày, người dân vẫn cần mẫn mưu sinh bằng nghề đánh bắt các loại đặc sản ở khu rừng bần.
Rừng bần Hưng Hòa là rừng bần nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Nghệ An. Có những gốc bần cổ thụ 2 - 3 người ôm không xuể. Bần ra hoa và kết quả vào các tháng 7, 8 và kéo dài đến tháng 12 dương lịch, quả bần chín mọng có vị chua thanh cùng vị chát nhẹ. Ra Tết là mùa bần thay lá và đến cuối tháng 4 sẽ thấy những chồi xanh cùng cả khoảng rừng bao la với hàng vạn con chim đậu trên cành bần.
Theo khảo sát của Trung tâm Khoa học và Công nghệ phối hợp với Khoa sinh Trường Đại học Vinh, hiện nay, hệ thực vật của rừng ngập mặn có đến 20 loài, trong đó chiếm ưu thế là bần chua, 9 loài cây ngập mặn khác như ô rô, ráng, sú, lác… được phân bổ đều khắp ở vùng cửa sông. Không chỉ “đất lành, chim đậu” mà nơi đây còn có 63 loài động vật xương sống khác tìm đến, bao gồm 3 loài thú, 31 loài chim, 10 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 14 loài cá, đặc biệt có loài cá sú vàng rất có giá trị về mặt kinh tế và y học thực nghiệm.
Trong đó, có 8 loài động vật quý hiếm như rái cá, bồ nông chân xám, quạ khoang, bói cá lớn, rắn ráo, rắn hổ trâu, cạp nong, hổ mang… Đặc biệt, nhóm chim có tính đa dạng sinh học cao nhất với 31 loài, 19 họ, 12 bộ, có 13 loài chim trú đông, 2 loài chim lang thang. Ấn tượng nhất mỗi buổi chiều là khi con nước lên cao, đàn cò trắng bay về ẩn, hiện vắt vẻo dày đặc trên ngọn cành bần, pha lẫn màu xanh của lá trông như một bức tranh thủy mặc.
Khu rừng bần Hưng Hòa luôn xanh tốt quanh năm, được xem là “lá phổi xanh”, bảo vệ hệ thống đê điều, chống ngập mặn, chống xói lở, thiên tai...
Để khai thác tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi, thời gian qua, thành phố Vinh đã xây dựng dự án quản lý, bảo vệ, trồng mới, mở rộng diện tích rừng bần gắn với quy hoạch du lịch sinh thái phía hạ lưu sông Lam. Không chỉ được xem là “lá phổi xanh”, bảo vệ hệ thống đê điều, chống ngập mặn, chống xói lở, thiên tai, khu rừng bần Hưng Hòa còn có giá trị rất lớn trong việc giữ đa dạng sinh học, tạo nên cảnh quan đẹp dọc sông Lam.
Thu Hiền