Lời giải cho bài toán tiêu thụ lúa chất lượng cao

Lời giải cho bài toán tiêu thụ lúa chất lượng cao
2 ngày trướcBài gốc
Thu hoạch lúa thuộc đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: P.A.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, đến thời điểm hiện tại đã có 12 địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đăng ký áp dụng quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải trong năm 2025 với diện tích 312.000ha, tăng 56% so với mục tiêu đề án đặt ra là 200.000ha năm 2025, trong đó, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang là những địa phương có diện tích đăng ký tham gia áp dụng quy trình này lớn nhất. Diện tích đăng ký tham gia đề án đến năm 2030 của 12 địa phương ĐBSCL đến thời điểm hiện nay đạt 1,015 triệu ha, tức vượt mục tiêu đạt 1 triệu ha vào năm 2030.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2- 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp (DN) cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.
Đóng góp tích cực cả về hiệu quả kinh tế lẫn môi trường của mô hình thí điểm là cơ sở để các địa phương đăng ký mở rộng quy mô sản xuất thời gian tới.
Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) cho hay, đơn vị triển khai mô hình thí điểm đầu tiên của đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cho biết sau khi kết thúc thí điểm từ vụ đông xuân 2024-2025, diện tích đã được mở rộng thêm 20ha, tức từ 50ha lên 70ha. Trước thực tế trên, những người dân trong khu vực dân cư sinh sống đã gặp ông để xin tham gia thêm.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả tích cực, hiệu quả và khả thi, bà con nông dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tiếp cận và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời chú trọng hơn đến quản lý nước tưới theo phương pháp ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý phân bón hợp lý và quan tâm nhiều hơn đến việc giảm phát thải khí nhà kính.
Điểm nghẽn về đầu ra
Liên quan tới việc triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, đề án vẫn còn những khó khăn, thách thức. Như việc triển khai đề án ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; người dân tham gia đề án chưa chủ động, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ… Nhưng đáng quan tâm hơn, đó là việc liên kết, tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu từ vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp hiện vẫn là vấn đề đáng lo ngại, dù đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công trong mở rộng đề án ở tương lai.
Ở góc độ DN, ông Trần Tấn Đức - Tổng giám đốc Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, Vinafood 2 cam kết sẽ tham gia thực hiện ở tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An và Tiền Giang. Tuy nhiên, ông muốn làm rõ việc DN tham gia chuỗi liên kết có được hưởng tiền từ bán tín chỉ carbon trong tương lai hay không. Ông Đức cho biết thêm, nếu triển khai quy mô 2.000 - 5.000ha, thậm chí 10.000ha thì dễ, nhưng nếu mở rộng quy mô đến 1 triệu ha, làm quá nhanh liệu có ổn hay không. Lý do là mở rộng diện tích phải đi cùng với sự phát triển thị trường mới có tính ổn định và bền vững.
Trước thực tế trên, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tham mưu xây dựng và triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, nhằm tạo điều kiện thuận lợi bao tiêu sản phẩm, cũng như nguồn về tài chính, hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, DN tham gia đề án tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư vào sản xuất bền vững.
MINH QUÂN
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/loi-giai-cho-bai-toan-tieu-thu-lua-chat-luong-cao-10303817.html