Lời giải nào cho 'bài toán' mức sinh thấp? - Bài cuối: Chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển

Lời giải nào cho 'bài toán' mức sinh thấp? - Bài cuối: Chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
8 giờ trướcBài gốc
Cần chuyển trọng tâm từ dân số sang con người. Ảnh minh họa
Kinh nghiệm quốc tế
Để giảm áp lực già hóa dân số nhanh, Trung Quốc chủ trương cho phép mỗi cặp vợ chồng có thể sinh 3 con, tăng dần tuổi nghỉ hưu và hoàn thiện hệ thống dưỡng lão. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy tỷ lệ sinh thông qua việc tuyên truyền về sinh sản và thực hiện các hình thức trợ cấp.
Trợ cấp tài chính cũng là một trong các biện pháp mà Chính phủ Hàn Quốc triển khai nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Từ năm 2024, các gia đình Hàn Quốc có thể nhận được khoản trợ cấp trị giá lên tới 29,6 triệu won (tương đương 22.154 USD) cho mỗi trẻ.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, tháng 2/2024, nội các nước này đã nhất trí về dự luật mở rộng các biện pháp trợ cấp hằng tháng cho trẻ em đến 18 tuổi. Ngoài ra, Nhật Bản còn tăng trợ cấp cho bố, mẹ đơn thân có từ 3 con trở lên mà thu nhập thấp và bảo đảm những người nghỉ chăm sóc con nhỏ có thể nhận được nhiều phúc lợi hơn.
Chính phủ nước này cũng có kế hoạch tăng chi tiêu hằng năm cho việc chăm sóc trẻ em và nâng tỷ lệ này từ mức 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 16%...
Bộ Phát triển gia đình và xã hội Singapore (MSF) có kế hoạch phát triển các dịch vụ trông trẻ, hạ mức trần phí chăm sóc trẻ em tại các trường mầm non chủ chốt và đối tác vào năm 2025.
Trong ngân sách 2023, Singapore đã tăng thời gian nghỉ thai sản được trả lương lên 4 tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp công việc linh hoạt để giúp cha mẹ quản lý tốt hơn các cam kết công việc và nghĩa vụ gia đình…
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số
Cần chuyển trọng tâm từ dân số sang con người
Từ kinh nghiệm thế giới về ứng phó với tình trạng mức sinh thấp, bà Phạm Thị Lan, Trưởng phòng Dân số và Phát triển Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, đưa ra khuyến nghị. Đó là cần chuyển trọng tâm từ dân số sang con người.
Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy từ việc phải hành động để tiến tới "tăng hoặc giảm tỷ mức sinh" sang "hỗ trợ mọi người dân đưa ra lựa chọn sinh đẻ một cách sáng suốt và hỗ trợ họ cân bằng giữa việc làm và gia đình".
Điều này có nghĩa là hỗ trợ người dân để họ tự đưa ra quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con, góp phần hiện thực hóa cam kết đối với Chương trình nghị sự về Dân số và Phát triển.
"Để giúp cá nhân và các cặp đôi thực hiện được quyền sinh sản của mình, bất kể họ sống ở đâu, kiếm được bao nhiêu tiền thì các quốc gia có thể ưu tiên tiếp cận phổ cập dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng, bao gồm cả biện pháp tránh thai hiện đại. Bên cạnh đó, cần đảm bảo giáo dục tốt hơn, bao gồm cả giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi; hỗ trợ chăm sóc trẻ em với mức chi phí hợp lý", bà Lan cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó có mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững khi số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023.
Thống kê cho thấy năm 2022, dân số trong độ tuổi 15-64 của Việt Nam chiếm 67,4% tổng dân số của cả nước, còn dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên lần lượt là 24,1% và 8,5%. Xét về cấu trúc tuổi của dân số, Việt Nam đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng", khi cứ 1 người phụ thuộc thì được 2 người trong độ tuổi lao động "gánh đỡ".
Điều này mang lại nhiều "dư lợi" về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao. Dự báo thời kỳ dân số vàng của nước ta sẽ kéo dài đến năm 2039.
Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2036, số lượng người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 1/5 dân số cả nước. Khi một đất nước có tỉ lệ người cao tuổi tăng chính là dấu hiệu tốt của sự phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhân khẩu học này cũng đòi hỏi các chính sách xã hội kịp thời nhằm giải quyết các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và kinh tế của người cao tuổi, đảm bảo chất lượng cuộc sống và giúp họ tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Trước lo ngại rằng, với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay của Việt Nam thì việc thay đổi chính sách ở thời điểm này liệu có quá muộn, bà Phạm Thị Lan khẳng định: "Chưa quá muộn nhưng chúng ta phải bắt đầu đổi mới chính sách ngay từ bây giờ, càng sớm càng tốt.
Việc chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển không chỉ là cần thiết mà còn là chiến lược để giải quyết những thách thức và tận dụng những cơ hội trong tình hình mới.
Bằng cách áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời một cách toàn diện, bao trùm, Việt Nam có thể đảm bảo phát triển bền vững, thịnh vượng kinh tế và phúc lợi xã hội cho tất cả người dân".
An Khê
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/loi-giai-nao-cho-bai-toan-muc-sinh-thap-bai-cuoi-chuyen-trong-tam-chinh-sach-tu-ke-hoach-hoa-gia-dinh-sang-dan-so-va-phat-trien-20241008155517512.htm