Lợi ích của trái thơm

Lợi ích của trái thơm
6 giờ trướcBài gốc
Nhắc đến đặc sản Long An, mọi người đều nghĩ đến thơm Bến Lức
“Vườn người tròn mọng trái thơm…
Yêu thương giọt khát đầy vơi
Mật tình chiu chắt tắm đời em ơi”,
Các nước vùng nhiệt đới có 1 loại cây với tên khoa học là Ananas comosus có 3 giống phổ biến là dứa Queen, dứa Cayenne, dứa Tây Ban Nha.
Ở Việt Nam, về tên gọi tùy theo vùng miền mà người địa phương gọi là thơm, khóm hay dứa. Điểm khác biệt về hình thức là lá khóm có nhiều gai, kích thước trái khóm nhỏ khoảng 1kg, thịt màu vàng đậm, vị ngọt đậm đà. Trong khi lá thơm không có gai, trái thơm to có thể hơn 3kg, mắt thưa, hố mắt nông, thịt thơm màu hơi vàng, vị ngọt thanh chua và mọng nước.
Thời gian gần đây, trên các xe hàng rong còn xuất hiện thơm mini Thái Lan. Đúng như tên gọi, thơm mini Thái Lan có khối lượng khoảng 100g, chiều dài từ 20 đến 25cm, khi chín vỏ màu vàng tươi, mắt nhỏ và xếp khít nhau. Thơm mini Thái Lan mọng nước, ngọt thanh, có vị chua nhẹ và thơm mùi đặc trưng .
Thành phần dinh dưỡng: Nước ép thơm cung cấp một lượng tập trung của các chất dinh dưỡng khác nhau. Một khẩu phần 240 ml cung cấp cho cơ thể khoảng 132 Calo; < 1 gram đạm: < 1 gram chất béo; 33 gram tinh bột; 25 gram dường; < 1 gram chất xơ.
Giá trị dinh dưỡng hàng ngày (Daily Value viết tắt DV) là tỷ lệ phần trăm chất dinh dưỡng nhất định của 1 loại thực phẩm, được xác định dựa trên chế độ ăn 2.000 calo.
Đối với trái thơm, giá trị dinh dưỡng hàng ngày của các chất khoáng như sau: Mangan 55% DV; Đồng 19% DV; Vitamin B6 15% DV; Vitamin C 14% DV; Thiamine 12% DV; Folate 11% DV; Potassium 7% DV; Magie 7% DV
Lợi ích với sức khỏe
Thơm cung cấp cho cơ thể nhiều khoáng chất, đặc biệt là Folate, Sắt và Magie, đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển thai nhi, vì thế mẹ bầu ăn thơm rất tốt.
Vị chua thanh của thơm khi kho với tôm, cá sẽ át mùi tanh và thấm vị ngọt của tôm, cá trở nên một món ăn hấp dẫn.
Thơm giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện hệ tiêu hóa nhờ các Vitamin C, A, E với cơ chế là các enzyme Protease. Protease có tác dụng phân giải đạm thành các tiểu đơn vị nhỏ hơn như axit amin và peptide, từ đó có thể dễ dàng hấp thụ trong ruột.
Lợi ích đặc biệt của thơm được đến từ enzyme Bromelain, chất này có khả năng giúp cải thiện tiêu hóa trên người suy tụy. Nhờ đặc tính kháng viêm, thơm làm giảm thâm bầm tím, sưng đau giúp phục hồi sau phẫu thuật, trị ho, viêm họng, viêm khớp, goute.
Enzyme Bromelain trong trái thơm giúp hòa tan tinh thể rắn ở thận, giảm tình trạng đông máu và ngăn ngừa hình thành sỏi thận. Bromelain phá vỡ các protein trong nước tiểu, làm giảm kích thước viên sỏi và đẩy các vụn tinh thể ra khỏi cơ thể qua đường tiểu nên trong Đông y dùng thơm để chữa bệnh sỏi thận.
Thơm còn giúp điều hòa huyết áp và ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông; đồng thời, giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh tim như đau thắt ngực và các cơn thiếu máu não. Kali có trong thơm sẽ làm giãn mạch, làm giảm áp lực của mạch máu và tăng tuần hoàn máu giúp ngăn ngừa nguy cơ đông máu và làm giảm sự tích tụ mảng xơ vữa trong mạch máu và động mạch.
Lưu ý, trẻ em trên 1 tuổi mới được ăn thơm vì lúc này hệ tiêu hóa của bé đã dần thích nghi tốt với chế độ ăn dặm. Thơm giúp hỗ trợ hoạt động não bộ, củng cố sức đề kháng, cải thiện hệ vận động cho trẻ nhưng cũng đừng cho trẻ ăn nhiều thơm vì niêm mạc lưỡi trẻ còn mỏng, chất Bromelain có khả năng phá hủy protein gây rát lưỡi.
Những đối tượng sau nên hạn chế ăn thơm: Người bị trào ngược dạ dày ăn thơm nhiều sẽ gây ợ nóng vì tính axit cao, chất xơ trong thơm làm tăng nhu động ruột gây khó chịu đường tiêu hóa, hàm lượng đường cao nên hạn chế với người đái tháo đường./.
DSCKII Lý Thị Nhất Định
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/loi-ich-cua-trai-thom-a190832.html