Lợi ích khi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa

Lợi ích khi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa
7 giờ trướcBài gốc
Từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, bệnh cúm mùa đang diễn tiến phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Làm gì để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình trước bệnh cúm hiện nay là vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm, tìm hiểu.
Cúm mùa xuất hiện quanh năm
Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa nên vi rút cúm xuất hiện quanh năm bao gồm cả chủng nam bán cầu và bắc bán cầu. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo cấp phép lưu hành vắc xin cúm cả mùa bắc bán cầu và nam bán cầu tại Việt Nam.
Tiêm vắc xin phòng cúm giúp sớm chủ động phòng bệnh, là biện pháp đơn giản và tiết kiệm chi phí.
Đặc biệt, cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 hàng năm và bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông - xuân. Do đó, thời điểm thích hợp để tiêm vắc xin cúm là khoảng 2 tuần - 1 tháng trước khi đến mùa dịch bệnh. Điều này được giải thích là do sau khi tiêm, cơ thể chúng ta cần 2 tuần để sản sinh kháng thể chống lại vi rút cúm. Vì vậy, người dân không nên đợi dịch bệnh hoặc có tâm lý chọn lựa vắc xin, bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh sớm.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm thường khởi phát đột ngột. Các triệu chứng mắc phải thường gặp như sốt trên 38 độ C hoặc cảm giác sốt kèm ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi… Bệnh thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, nước ta ghi nhận gần 1.000 trường hợp bệnh cúm và chủ yếu là cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Do thời tiết thay đổi bất thường hiện nay nên tỷ lệ người dân đi tiêm phòng bệnh cúm gia tăng đáng kể tại các bệnh viện, trung tâm y tế và các trung tâm tiêm chủng.
Lợi ích khi tiêm vắc xin cúm
Theo Tổ chức Y tế Thế gới (WHO), tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm giúp sớm chủ động phòng bệnh, là biện pháp đơn giản và tiết kiệm chi phí. Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người đã tiêm vắc xin cúm có nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm. Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vắc xin giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Tiêm phòng cúm cũng giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Tiêm phòng hằng năm được khuyến cáo là cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa cúm. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, vắc xin cúm mùa cung cấp lá chắn bảo vệ. Ở người cao tuổi, việc tiêm phòng cúm có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bệnh tật nhưng lại có tác dụng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, giảm tỷ lệ biến chứng và giảm nguy cơ tử vong.
Đối với nhóm nguy cơ mắc cúm cao thì việc tiêm vắc xin đặc biệt quan trọng. WHO khuyến cáo nên tiêm phòng hàng năm cho các nhóm phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người cao tuổi (trên 65 tuổi), cá nhân mắc bệnh mãn tính, nhân viên y tế.
Người dân đến tiêm vắc xin cúm mùa tại Phòng tiêm chủng Safpo Nha Trang
Thị trường Việt Nam hiện có các loại vắc-xin phòng cúm như: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam)... với giá dao động từ 220.000 - 360.000 đồng. Các loại vắc-xin cúm trên thị trường hiện nay đều hỗ trợ tốt cho sức khỏe người dân.
Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vắc xin. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các biện pháp phòng bệnh như: tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ ấm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Nguồn: IVAC
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202502/loi-ich-khi-tiem-vac-xin-phong-benh-cum-mua-bf50227/