Lợi nhuận các ngân hàng quý 3: Phục hồi từ mức nền thấp

Lợi nhuận các ngân hàng quý 3: Phục hồi từ mức nền thấp
4 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo "dự báo lợi nhuận quý 3/2024" công bố ngày 30/9, Chứng khoán MB (MBS) dự báo, lợi nhuận ròng các ngân hàng có thể tăng 16,5% so với cùng kỳ trong quý 3 và là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán.
Lợi nhuận tăng từ mức nền thấp của năm 2023
Trong số 13 ngân hàng thương mại cổ phần được MBS theo dõi, chuyên gia MBS đánh giá Eximbank là nhà băng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ mức nền thấp trong quý 3 năm ngoái với mức tăng trưởng 70% so với cùng kỳ và NIM duy trì trương đương so với quý 2. Tuy nhiên tính cả năm 2024, lợi nhuận Eximbank chỉ tăng 16%.
Tại LPBank, MBS cho rằng ngân hàng này sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 41% từ mức nền thấp của năm ngoái và cũng kỳ vọng lợi nhuận cả năm 2024 của nhà băng này sẽ tăng 46%.
Đồng thời, ngân hàng dự kiến được cấp thêm room tín dụng khi đã chạm ngưỡng tăng trưởng 15%. Nợ xấu giảm nhẹ so với quý 2 khi ngân hàng tăng cường xử lý.
Nhóm ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận lớn nhờ tín dụng tăng cao
Cũng tại báo cáo, HDBank và TPBank là hai cái tên được dự báo sẽ có sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhờ vào tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt.
Cụ thể, HDBank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 44% trong quý III/2024 và 31% cho cả năm. Tăng trưởng tín dụng được đánh giá sẽ duy trì khả quan như nửa đầu năm, dù biên lãi ròng (NIM) giảm nhẹ xuống mức 5%. Chi phí dự phòng của ngân hàng này cũng được dự báo sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Với TPBank, các chuyên gia nhận định rằng việc giảm lãi suất cho vay sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, giúp ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 35% trong quý III và 23% cho cả năm 2024. Đồng thời, TPBank cũng sẽ tăng cường trích lập dự phòng để củng cố sức mạnh tài chính.
Ngoài ra, VPBank cũng được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, với 37% trong quý III và 69% cho cả năm 2024. Biên lãi ròng dự kiến sẽ duy trì tương tự nửa đầu năm, với mảng cho vay tiêu dùng đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng tín dụng.
Ngược lại, Techcombank và Sacombank được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tín dụng chậm lại. Đối với Techcombank, hạn mức tín dụng gần đạt tối đa khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chững lại, dù NIM vẫn giữ ổn định nhờ lợi thế về tỷ lệ CASA và chi phí vốn thấp. Tuy nhiên, lợi nhuận quý III của Techcombank dự kiến vẫn tăng 20% so với cùng kỳ và cả năm tăng 34%.
Sacombank dự kiến gặp khó khăn do hạn chế room tín dụng trong nửa cuối năm và biên lãi ròng giảm mạnh. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) vẫn cao hơn mức trung bình ngành, nhưng chi phí dự phòng giảm nhờ không còn trích lập trái phiếu VAMC, giúp Sacombank tăng trưởng lợi nhuận 29% trong quý III và 9% cho cả năm 2024.
Lợi nhuận nhóm ngân hàng quốc doanh có sự phân hóa
Theo báo cáo của MBS, nhóm Big 4 ngân hàng (ngoại trừ Agribank) có sự phân hóa rõ ràng về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3/2024.
VietinBank được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, đạt 40%, nhờ vào nền thấp trong cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận cả năm dự kiến tăng 12%, với NIM duy trì ổn định và chi phí trích lập không có nhiều biến động.
BIDV cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực với lợi nhuận quý 3 tăng 20% và cả năm tăng 17%. Ngân hàng này được hưởng lợi từ sự cải thiện tín dụng và giảm áp lực nợ xấu, khi nợ nhóm 2 giảm 4,6% trong quý trước.
Trong khi đó, Vietcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hơn, với mức tăng 9% trong quý 3 và 5% cho cả năm 2024. Dù vậy, Vietcombank vẫn giữ vị trí tiên phong trong việc hạ lãi suất, nhờ vào sự phục hồi nhu cầu vay cá nhân và cải thiện chất lượng nợ.
Nhóm tăng trưởng chậm
Theo cập nhật từ MBS, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hoặc giảm trong quý 3/2024.
Trong đó, ACB được dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 7% trong quý 3 và 6% cả năm, do tỷ lệ NIM giảm nhẹ và không còn nhiều dư địa tín dụng. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự kiến sẽ giảm so với quý trước, giúp duy trì lợi nhuận ở mức khả quan.
Đối với VIB, MBS dự báo lợi nhuận quý III giảm 19% và cả năm giảm 10%. Tín dụng quý 3 được kỳ vọng sẽ phục hồi, đặc biệt nhờ vào cho vay mua nhà thứ cấp và tăng trưởng thị trường căn hộ. Các mảng cho vay mua xe và thẻ tín dụng cũng sẽ được đẩy mạnh trong mùa lễ hội, tuy nhiên chi phí trích lập tăng 12% so với cùng kỳ, do VIB phải xây dựng bộ đệm để xử lý nợ xấu khi tăng trưởng tín dụng tăng nhanh.
OCB cũng là một ngân hàng được dự báo sẽ giảm lợi nhuận, với mức giảm 20% cho cả quý 3 và năm 2024. NIM của OCB suy giảm do tín dụng không đạt kỳ vọng, cùng với việc phải hạ lãi suất cho vay bán lẻ để thu hút khách hàng. Chi phí trích lập dự kiến sẽ duy trì ở mức cao tương đương quý 2 và gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Thu Trang
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/loi-nhuan-cac-ngan-hang-quy-3-phuc-hoi-tu-muc-nen-thap-33875.html