Thị giá Hapaco (HAP) tăng trần sau tin chủ tịch "gom" 10,5 triệu cổ phiếu
Cổ phiếu của Tập đoàn Hapaco (Mã: HAP) vừa ghi nhận diễn biến tăng mạnh sau thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị ông Vũ Dương Hiền đăng ký mua thêm gần 10,5 triệu cổ phiếu. Điều đáng nói là nhịp tăng của mã HAP cùng động thái "gom" vào cổ phiếu của Chủ tịch Hiền diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh công ty đang trên đà xuống dốc.
Hapaco (HAP) của chủ tịch Vũ Dương Hiền, lợi nhuận sụt giảm 94%, cổ phiếu vẫn tăng trần (Ảnh TL)
Trong phiên giao dịch ngày 3/1, HAP tăng trần với khối lượng khớp lệnh đạt gần 752.000 đơn vị, mức cao nhất trong hơn một năm qua kể từ ngày 12/12/2023. Sang phiên 6/1, cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, chạm mức trần 4.940 đồng/cổ phiếu ngay từ khi mở cửa và giữ vững đến giữa phiên sáng. Khối lượng khớp lệnh đạt gần 374.000 đơn vị, trong khi lượng dư mua giá trần lên đến gần 768.000 cổ phiếu.
Nếu giữ được mức giá này đến cuối phiên, HAP sẽ có hai phiên tăng kịch biên độ liên tiếp, nâng thị giá lên mức cao nhất trong khoảng 9 tháng, kể từ tháng 3/2024. Tuy nhiên, đợt tăng này được đánh giá là nhịp hồi phục, bởi trước đó cổ phiếu HAP đã giảm khoảng 12% trong một năm qua và vẫn thấp hơn 70% so với đỉnh lịch sử 14.570 đồng/cổ phiếu hồi tháng 11/2021 (sau khi điều chỉnh giá).
Thông tin ông Vũ Dương Hiền đăng ký mua thêm cổ phiếu là động lực chính khiến HAP khởi sắc. Theo thông báo ngày 2/1, ông Hiền dự kiến nâng sở hữu từ 14,4 triệu cổ phiếu (12,9% vốn) lên 24,8 triệu cổ phiếu (22,4% vốn). Giao dịch này sẽ diễn ra từ ngày 7/1 đến 5/2. Với giá hiện tại là 4.940 đồng/cổ phiếu, số cổ phiếu mà ông Hiền dự kiến mua có giá trị khoảng 52 tỷ đồng.
Ông Hiền hiện là cổ đông lớn duy nhất của Hapaco. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình ông, bao gồm ba người con đều giữ vai trò quản lý cấp cao tại công ty, cũng đang sở hữu cổ phần đáng kể. Cụ thể, Vũ Xuân Thủy, Vũ Xuân Thịnh và Vũ Xuân Cường đang lần lượt nắm giữ 4,4%, 4,3% và 3,7% vốn. Nếu giao dịch thành công, tổng sở hữu của nhóm cổ đông gia đình này sẽ tăng lên 34,8% vốn, củng cố quyền kiểm soát tại doanh nghiệp.
Trước đó, tổ chức liên quan đến ông Hiền là Chứng khoán Hải Phòng (mã HAC) đã thoái toàn bộ 124.300 cổ phiếu HAP vào tháng 7/2024. Hiện tại, việc ông Hiền muốn tăng sở hữu được thị trường đón nhận tích cực, góp phần tạo lực đẩy cho cổ phiếu hồi phục và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Lãi Quý 3/2024 sụt giảm 94%, hoạt động xuất khẩu không ổn định
Kết thúc quý 3/2024, Tập đoàn Hapaco (HAP) đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng trong hiệu quả kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ giảm tới 94,85%, từ 5,18 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn hơn 267 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận cực kỳ thấp, phản ánh những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Nguyên nhân chính được công ty lý giải là do tình hình kinh doanh của các công ty thành viên không ổn định, đặc biệt trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Đơn hàng không đủ để bù đắp chi phí sản xuất, khiến lợi nhuận bị thu hẹp đáng kể. Điều này cho thấy năng lực thích ứng với biến động thị trường của Hapaco đang gặp vấn đề, làm dấy lên lo ngại về khả năng quản lý và vận hành hiệu quả của doanh nghiệp.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù doanh thu đạt 275 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (227,6 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận lại đi ngược chiều. Lợi nhuận sau thuế lũy kế chỉ đạt 5,1 tỷ đồng, giảm 50% so với mức 10,3 tỷ đồng cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt, từ 27,3 tỷ đồng lên hơn 50 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi. Mức tăng này gây sức ép lớn lên lợi nhuận và đặt ra câu hỏi về sự kiểm soát chi phí nội bộ của công ty.
Trang Thu