Cả năm 2024, MBS vẫn đạt mức lợi nhuận kỷ lục.
Như thường lệ, CTCP Chứng khoán MB (MBS) là công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 4/2024. Tổng doanh thu hoạt động của công ty đạt 758 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên sụt giảm so với hai quý liền trước.
Trong cơ cấu doanh thu, đóng góp lớn nhất đến từ lãi cho vay, với 268 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lãi các tài sản tài chính (FVTPL) ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất, đạt 217 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ đạt 52 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cũng tăng trưởng 74%, đạt 54 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu môi giới sụt giảm 23% về mức 131 tỷ đồng.
Về phần chi phí, lỗ từ các tài sản FVTPL cũng tăng mạnh từ mức 24 tỷ đồng của cùng kỳ lên 173 tỷ đồng. Tính ra hoạt động tự doanh của MBS trong quý 4/2024 mang về 44 tỷ đồng lãi thuần, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.
Chi phí nghiệp vụ môi giới ở mức tương đương so với cùng kỳ là 131 tỷ đồng. Như vậy riêng với mảng này, MBS không có lãi.
Chi phí lãi vay, chi phí phát hành trái phiếu cũng chiếm tỷ trọng lớn với 152 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Kết quả, công ty chứng khoán báo lãi sau thuế 165 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2024, MBS mang về 3.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 72% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 931 tỷ đồng và 744 tỷ đồng, tăng 30%/27% so với cùng kỳ.
Năm 2024, công ty chứng khoán lên kế hoạch doanh thu đạt 2.786 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 930 tỷ đồng. Như vậy, MBS đã vượt kế hoạch doanh thu và đạt kế hoạch lợi nhuận. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp trong lịch sử hoạt động.
Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của MBS đạt 22.132 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 10.300 tỷ đồng, tăng khoảng 1.000 tỷ đồng sau một năm. Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn chiếm gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 2.700 tỷ đồng - chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn.
Danh mục tài sản FVTPL của MBS có trị giá gần 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, công ty phân bổ phần lớn vào trái phiếu niêm yết với gần 1.000 tỷ đồng, giấy tờ có giá 746 tỷ đồng; cổ phiếu niêm yết chỉ chiếm 157 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư sẵn sàng để bán (AFS) trị giá hơn 2.700 tỷ đồng - tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm; chiếm chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết với gần 2.000 tỷ đồng. Cổ phiếu chưa niêm yết chiếm 118 tỷ đồng và đang dự phòng suy giảm 83 tỷ đồng nên giá trị ghi sổ chỉ còn hơn 35 tỷ đồng.
Nợ phải trả của công ty ở mức hơn 15.200 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là vay nợ tài chính ngắn hạn với hơn 13.000 tỷ đồng. Nợ trái phiếu dài hạn hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng sau một năm.
Phạm Ngọc