Lợi nhuận ngân hàng quý II khởi sắc

Lợi nhuận ngân hàng quý II khởi sắc
9 giờ trướcBài gốc
Không chỉ lợi nhuận quý II, các nhà phân tích tài chính còn nhận định, lợi nhuận ngân hàng cả năm 2025 vẫn sẽ tích cực
Tín dụng tăng tích cực
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2025, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,52%, cao hơn đáng kể so với mức 2,41% cùng kỳ năm 2024. Riêng trong 1 tháng qua, các ngân hàng đã cho vay khoảng 260.000 tỷ đồng, nâng lượng vốn đưa ra thị trường từ đầu năm đến nay lên 873.000 tỷ đồng.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 16%, tương ứng với dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng, từ nay đến cuối năm còn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường. Vì thế, không chỉ triển vọng lợi nhuận quý II, các nhà phân tích tài chính còn nhận định, lợi nhuận ngân hàng cả năm 2025 vẫn sẽ tích cực.
Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến cuối tháng 5/2025 đạt hơn 7% và ước tính đến cuối quý II/2025 sẽ tăng khoảng 8%. Mặc dù chưa công bố con số lợi nhuận cụ thể trong quý II/2025, song theo ông Phát, ACB vẫn đang từng bước thực hiện theo đúng kế hoạch kinh doanh năm 2025 đã đề ra.
Theo ước tính kết quả quý II/2025 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố về ACB, các chuyên gia phân tích cho rằng, biên lãi ròng (NIM) sẽ đi ngang so với quý trước, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 8% tại thời điểm cuối quý II. Chất lượng tài sản duy trì ổn định ở mức 1,4 - 1,5%, giúp chi phí tín dụng quý II ở mức 0,35% (so với 0,42% trong quý I). Với nền lợi nhuận cao trong quý II/2024, lợi nhuận trước thuế quý II năm nay ước đạt 5.250 tỷ đồng.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Tổng giám đốc VietinBank tiết lộ, trong 6 tháng đầu năm nay, ước tính dư nợ tín dụng tăng 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động tăng hơn 9%; lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Mặc dù không công bố chi tiết con số lợi nhuận, nhưng ông Trung cho biết, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2024 (28.826 tỷ đồng).
Ông Trung cho biết thêm, thời gian qua, VietinBank đã phát huy vai trò là ngân hàng chủ lực, tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế, hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên, cho vay theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho người trẻ dưới 35 tuổi với mức lãi suất chỉ 5 - 6%/năm.
Theo các nhà phân tích của SSI, nhóm ngân hàng gồm VietinBank, VPBank, MB, MSB và Techcombank được kỳ vọng có lợi nhuận quý II/2025 tăng so với cùng kỳ nhờ tín dụng tăng trưởng tích cực. Trong đó, VietinBank được dự báo dẫn đầu nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối về tăng trưởng tín dụng, đạt mức 10,5% từ đầu năm. Chi phí tín dụng ước tính giảm xuống còn 1,3% trong quý II, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ và tăng 36,2% so với quý trước.
BIDV được dự báo có tín dụng đến cuối tháng 6/2025 tăng khoảng 6 - 7% so với đầu năm, nhờ tín dụng bán lẻ tăng mạnh hơn tín dụng doanh nghiệp, giúp NIM cải thiện nhẹ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 8.000 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ.
Với Vietcombank, do tăng trưởng tín dụng có thể thấp hơn mức trung bình ngành, lợi nhuận trước thuế quý II dự kiến đi ngang so với quý trước, đạt khoảng 10.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế quý II được dự báo đạt 7.850 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ và tăng 8,5% so với quý trước. Dù tín dụng nửa đầu năm tăng mạnh, đạt mức 9,2% từ đầu năm, lợi nhuận dự kiến chỉ tăng nhẹ do NIM giảm nhẹ và chi phí dự phòng có thể tăng.
Nợ xấu kỳ vọng cải thiện
SSI ước tính, Sacombank, HDBank, TPBank, VIB, MB và OCB là những nhà băng ghi nhận lợi nhuận quý II/2025 tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước.
SSI cũng ước tính rằng, Sacombank, HDBank, TPBank, VIB, MB và OCB là những nhà băng ghi nhận lợi nhuận quý II/2025 tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Sacombank tiếp tục được kỳ vọng có mức tăng trưởng lợi nhuận quý II cao nhất, ước đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ và 24% so với quý trước, nhờ có thể ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng đáng kể trong quý II và cải thiện chi phí quản lý, từ đó hỗ trợ đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ cho Ngân hàng.
VPBank có thể đạt lợi nhuận 5.800 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng tăng mạnh (ước đạt 13 - 15% từ đầu năm) và chất lượng tài sản ổn định hơn so với quý trước.
Với MB, lợi nhuận trước thuế sơ bộ quý II được SSI dự báo đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng tích cực (tăng 10% lũy kế từ đầu năm). Trong khi đó, NIM được kỳ vọng ổn định và chất lượng tài sản cải thiện.
Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), chất lượng tài sản ngân hàng tiếp tục là yếu tố được quan tâm hàng đầu và kỳ vọng sẽ cải thiện dần. MBS nhận định, bức tranh lợi nhuận quý II/2025 của các ngân hàng khả quan hơn so với quý trước, nhờ tăng trưởng tín dụng tích cực và NIM không giảm thêm.
Một số ngân hàng được kỳ vọng chất lượng tài sản cải thiện với áp lực trích lập dự phòng thấp như BIDV, MB, MSB, VietinBank.
Chất lượng tài sản của VietinBank được kiểm soát tốt, một số khách hàng tái cơ cấu hết thời gian thử thách được chuyển về nợ nhóm thấp hơn và sẽ được hoàn nhập trích lập trong quý II. Với mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,8% và tập trung vào việc tối ưu hóa chi phí, VietinBank tăng cường quản trị rủi ro tín dụng và giữ khẩu vị tín dụng chặt chẽ. Ngân hàng phân tích từng ngành, xem xét kỹ lưỡng dựa trên nhiều thông tin để hoạch định danh mục cấp tín dụng phù hợp.
Với chính sách trên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank trong quý I/2025 đi ngang so với cùng kỳ, từ đó nới rộng mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số dư nợ xấu của VietinBank tính đến cuối quý I tăng 31%, lên mức 27.971 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu lên 1,55%.
Mặc dù vậy, các ngân hàng cũng thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức phía trước khi các đàm pháp về thuế quan với Mỹ chưa đi đến hồi kết, đồng thời NIM tiếp tục giảm so với trước. Năm 2025, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4%, lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho hay, một trong những vấn đề được quan tâm là NIM. Nguyên nhân chính là do áp lực cạnh tranh trong toàn ngành ngân hàng gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở phân khúc khách hàng có chất lượng tín dụng tốt. Bên cạnh đó, định hướng hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khiến lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, dẫn đến NIM bị thu hẹp. Tuy vậy, nếu so với mặt bằng chung, NIM của Techcombank 12 tháng qua vẫn cao hơn trung bình ngành và trong bối cảnh hiện nay, điều đó có thể xem là một kết quả tích cực. Nhà băng này vẫn tự tin với chỉ tiêu kinh doanh xây dựng cho năm 2025.
PSG.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế nhận định, tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ tiếp tục được thúc đẩy chủ yếu từ mảng cho vay doanh nghiệp. Những ngân hàng có lợi thế trong mảng này và có năng lực huy động vốn tốt sẽ có có cơ hội tăng trưởng. Lợi nhuận năm 2025 của một số ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng, tuy nhiên ở góc độ thận trọng, chi phí tín dụng trong năm nay có thể vẫn giữ ở mức cao và các ngân hàng sẽ tăng cường bộ đệm dự phòng cho giai đoạn tới.
Vân Linh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/loi-nhuan-ngan-hang-quy-ii-khoi-sac-post372082.html