Lợi nhuận ngân hàng quý II sẽ khả quan hơn

Lợi nhuận ngân hàng quý II sẽ khả quan hơn
6 giờ trướcBài gốc
Tín dụng tăng cao đảm bảo lợi nhuận ổn định cho ngân hàng
Bất chấp những áp lực bên ngoài, từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ đến căng thẳng địa chính trị trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện sức chống chịu bền bỉ trong nửa đầu năm 2025 với mức tăng trưởng 7,3%. Theo bà, kết quả này đến từ những “nguồn lực” nào?
Tôi cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế đến từ sức mạnh nội tại, đó là hoạt động sản xuất công nghiệp vững vàng và dòng chảy thương mại mạnh mẽ - một phần được hỗ trợ bởi lệnh tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày từ phía Mỹ. Theo đó, hoạt động nhập khẩu chạy thuế đã hỗ trợ đáng kể hoạt động thương mại trong 6 tháng đầu năm, với xuất khẩu tăng 14% so với cùng kỳ lên 180,2 tỷ USD và nhập khẩu tăng 17,5% lên 175,6 tỷ USD.
Từ đầu năm đến cuối tháng 6, ước giải ngân vốn đầu tư công là 268.133,9 tỷ đồng, đạt 29,6% kế hoạch và đạt 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chi tiêu ngân sách dự kiến tăng tốc, phục vụ cả nhu cầu đầu tư phát triển và chi thường xuyên.
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận nguồn thu ngân sách từ nhà đất tăng 105%, chủ yếu nhờ Chính phủ đang tích cực tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án đình trệ kéo dài. Đà tăng trưởng của thị trường bất động sản được kỳ vọng tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực sang các lĩnh vực ngân hàng, vật liệu xây dựng, du lịch và bán lẻ.
Đà tăng trưởng vững chắc kỳ vọng tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm, được dẫn dắt bởi các định hướng tăng trưởng như đẩy mạnh đầu tư công, tài khóa mở rộng, nới lỏng pháp lý cho các dự án bất động sản, đặc biệt là thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Tăng trưởng kinh tế tác động như thế nào đến hoạt động của ngành ngân hàng?
Chúng ta đã chứng kiến tín dụng tăng tốc mạnh mẽ trong quý II/2025 nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì. Cụ thể, tín dụng toàn hệ thống bắt đầu tăng từ tháng 2/2025 nhờ tâm lý tích cực hỗ trợ bởi mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm nay cùng với những chỉ tiêu chính sách tiền tệ được nới thêm. Tính đến cuối tháng 6, ước tính dư nợ tín dụng đạt 8,3% so với đầu năm, cao gần gấp đôi cùng kỳ năm trước (4,85%).
Theo quan sát của chúng tôi, tín dụng các ngân hàng thương mại niêm yết không có nhiều sự biến động so với quý trước đó. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng tốt hơn so với nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh. Những ngân hàng có mức tăng tín dụng tốt trong quý đầu năm có thể kể đến là MSB, Eximbank, VPBank, SHB, VietinBank và duy trì đà tăng này trong quý II/2025. Môi trường lãi suất thấp tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp tiếp tục là động lực chính của tín dụng trong quý II/2025.
Theo đó, biên lãi ròng (NIM) các ngân hàng thương mại niêm yết dự báo sẽ không giảm thêm trong quý II/2025 so với quý I/2025 với kỳ vọng lãi suất cho vay duy trì như hiện tại, trong khi lãi suất huy động có thể giảm nhẹ nhờ tăng trưởng huy động cải thiện (tăng 2,4% so với đầu năm và cao hơn mức 0,7% trong quý I/2024). NIM trong quý I/2025 giảm mạnh chủ yếu do tỷ suất sinh lợi tài sản giảm mạnh, trong khi chi phí vốn vẫn duy trì tương đương năm 2024.
Với bối cảnh như trên, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ như thế nào trong quý II/2025?
Nhìn chung, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng thương mại niêm yết sẽ khả quan hơn trong quý II/2025, dự báo tăng khoảng 14,7% so với cùng kỳ năm trước và so với mức 11% của quý I/2025. Trong đó, những ngân hàng như VPBank, VietinBank, Eximbank được dự báo có tín dụng tăng khả quan hơn so với mặt bằng chung của ngành và NIM cũng sẽ ít giảm hơn so với nền thấp của năm ngoái (VPBank, Eximbank).
Cụ thể, ước tính tăng trưởng tín dụng của VPBank có thể đạt khoảng 12% đến cuối quý II/2025, NIM ước khoảng 5,9% - đi ngang so với quý trước đó và giảm so với cùng kỳ do nền cao năm trước. Cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp dự báo tiếp tục dẫn dắt tín dụng và chủ yếu liên quan đến hoạt động thương mại và xây dựng. Cho vay khách hàng cá nhân vẫn đến từ cho vay mua nhà, trong khi cho vay margin và tín dụng tiêu dùng sẽ tăng chậm cho đến khi kết quả đàm phán thuế quan công bố. Chi phí trích lập dự kiến đạt trên 9.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và tăng 38,2% so với quý trước đó, chủ yếu đến từ các khoản nợ xấu liên quan đến cho vay tiêu dùng có thể tăng mạnh trở lại khi các vấn đề liên quan đến hóa đơn, chống hàng giả… bị siết chặt hơn. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2025 dự kiến tăng 32,6% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 44% kế hoạch cả năm.
Đối với Techcombank, tín dụng được kỳ vọng đạt 9% tính đến cuối quý II/2025, thấp hơn so với cùng kỳ (đạt 12,9% cuối quý II/2024) chủ yếu nhờ các khoản cho vay mua nhà hồi phục khi các dự án lớn đang có tình hình mở bán khá tốt. Cho vay dự án bất động sản cũng sẽ được duy trì khi các vướng mắc pháp lý dần được tháo gỡ. Theo đó, NIM sẽ hồi phục nhẹ lên mức 3,8% - nhỉnh hơn so với mức 3,6% trong quý I/2025 theo đà hồi phục của mảng cho vay mua nhà. Thu ngoài lãi chủ yếu tập trung vào phí dịch vụ ngân hàng đầu tư (Investment Banking - IB) và thanh toán thẻ. Chi phí trích lập dự phòng dự báo tăng lên 1.500 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ do nền cao năm trước và tăng 35,7% so với quý đầu năm do chất lượng tài sản chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2025 ước giảm 0,8% so với cùng kỳ và đạt 49% kế hoạch cả năm.
Tại khối ngân hàng thương mại quốc doanh, tăng trưởng tín dụng của BIDV cuối quý II/2025 dự kiến đạt khoảng 8% nhờ tiếp tục đẩy mạnh ở phân khúc bán lẻ và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến vẫn cao do tỷ lệ nợ nhóm 2 vào cuối quý I/2025 ở mức cao. NIM dự kiến đi ngang so với quý I/2025 do BIDV nỗ lực cải thiện cơ cấu cho vay. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2025 dự kiến tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank vào cuối quý II/2025 dự kiến đạt 7% nhờ liên tục đẩy mạnh các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ đầu quý. NIM có thể tiếp tục xu hướng giảm trong quý II/2025. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến giảm nhẹ so với cuối quý I/2025, đạt khoảng 1%. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến đạt hơn 1.000 tỷ đồng vì không còn khoản hoàn nhập dự phòng như trong quý I/2025. Ước tính lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2025 tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Trong nửa cuối năm 2025, các yếu tố tác động đến ngành ngân hàng là gì?
Bên cạnh định hướng tăng trưởng của Chính phủ được đề cập ở trên, theo tôi, yếu tố tác động còn đến từ Nghị định 69/2025/NĐ‑CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, trong đó thay đổi lớn nhất là nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại lên 49% tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (trước đó là 30%) bao gồm VPBank, MB và HDBank, giúp các ngân hàng này có thêm dư địa gia tăng độ dày vốn.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, các ngân hàng nêu trên chưa thực sự cấp thiết trong việc sử dụng room ngoại tăng thêm này. Chẳng hạn, VPBank sau khi có đối tác chiến lược nước ngoài là SMBC đã tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) lên mức hơn 14% vào cuối quý I/2025, cao thứ 2 toàn ngành. Trong khi đó, MB và HDBank vẫn đang khóa room ngoại dưới mức 30%, lần lượt là 23,2% và 17,5%.
Đáng chú ý, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đánh dấu bước tiến lớn trong việc luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý trong xử lý nợ xấu và bảo vệ an toàn hệ thống tài chính. Những điểm thay đổi quan trọng trong dự thảo liên quan đến việc chủ động thu giữ tài sản đảm bảo giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực trích lập dự phòng và chi phí xử lý nợ. Đồng thời, minh bạch hóa và giảm thủ tục trong việc mua bán, xử lý nợ; nâng cao ý thức trả nợ của người đi vay, giúp cải thiện chất lượng tài sản toàn hệ thống trong dài hạn. Chúng tôi cho rằng, những ngân hàng lớn có chi phí trích lập lớn như VietinBank, VPBank và những ngân hàng nhỏ như OCB, MSB, VIB sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhóm còn lại khi luật mới được thông qua.
Hồng Dung thực hiện.
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/loi-nhuan-ngan-hang-quy-ii-se-kha-quan-hon-post372592.html