Lợi nhuận ngành chăn nuôi tăng vọt, doanh nghiệp Việt vẫn phải cạnh tranh giành thị phần từ FDI

Lợi nhuận ngành chăn nuôi tăng vọt, doanh nghiệp Việt vẫn phải cạnh tranh giành thị phần từ FDI
9 giờ trướcBài gốc
Kết quả kinh doanh của các "ông lớn" ngành nông nghiệp và chăn nuôi nội địa thời gian qua ghi nhận những con số đột phá. Tập đoàn Hòa Phát (HPG), sau gần một thập kỷ đầu tư vào nông nghiệp, báo cáo lợi nhuận thuần trước thuế mảng này trong quý I/2025 đạt gần 447 tỷ đồng, tăng 122,4% so với mức 201 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Cả năm 2024, mảng nông nghiệp của Hòa Phát mang về 7.081 tỷ đồng doanh thu, tăng 12%, và lợi nhuận sau thuế vọt lên 1.038 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần năm trước. Dù vậy, theo ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, các sản phẩm chăn nuôi của tập đoàn hiện chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.
Tương tự, GreenFeed Việt Nam cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2024 lên tới hơn 2.106 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần so với năm 2023. CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) báo lãi sau thuế quý I/2025 gần 508,3 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ. Năm 2024, Dabaco đạt doanh thu thuần 13.574 tỷ đồng (tăng 22%) và lợi nhuận sau thuế 769 tỷ đồng, tăng khoảng 30 lần. Chủ tịch HĐQT Dabaco, ông Nguyễn Như So, tự tin đặt mục tiêu lãi ròng 1.500 tỷ đồng năm 2025 nếu giá thịt heo duy trì ở mức 60.000 đồng/kg.
Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) cũng không kém cạnh với lợi nhuận sau thuế năm 2024 hơn 395 tỷ đồng, tăng gần 8 lần. Quý I/2025, BaF tiếp tục đà tăng trưởng với 133 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 13%. Trong khi đó, ở mảng chế biến, Masan MEATLife (MML), thành viên của Tập đoàn Masan, ghi nhận quý thứ ba liên tiếp có lãi với 116 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số trong quý I/2025, trên tổng doanh thu 2.070 tỷ đồng.
Nghịch lý trên thị trường 33 tỷ USD
Dù các doanh nghiệp nội báo lãi lớn, bức tranh tổng thể thị phần ngành chăn nuôi lại cho thấy một câu chuyện khác. Ngành chăn nuôi Việt Nam, với tổng giá trị ước tính đạt 33 tỷ USD năm 2023 và dự kiến 35 tỷ USD vào năm 2024 theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), lại đang có sự chi phối đáng kể từ các doanh nghiệp FDI.
Báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra rằng, về cơ cấu nguồn cung thịt heo giai đoạn 2022-2023, doanh nghiệp FDI chiếm tới 43% thị phần, trong khi doanh nghiệp nội chỉ nắm khoảng 19%, phần còn lại (38%) thuộc về hộ chăn nuôi. Ở mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, tình hình cũng tương tự khi doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 60% sản lượng.
Nỗ lực giành lại "sân nhà"
Trước thực trạng này, các "đại gia" chăn nuôi trong nước như Dabaco, Hòa Phát, Masan, BaF, GreenFeed, Thaco Agri... đang không ngừng tăng tốc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao tỷ trọng và giành lại thị phần.
BaF Việt Nam là một ví dụ điển hình với chiến lược M&A mạnh mẽ. Kể từ đầu năm 2025 đến nay, công ty đã thâu tóm 7 doanh nghiệp và tính từ tháng 11/2024 là 15 công ty, nhằm mở rộng mảng chăn nuôi khép kín theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food). Mới đây nhất, BaF thông báo nhận chuyển nhượng 50% vốn tại Công ty TNHH Chăn nuôi Khôi Dương (Đắk Nông). Công ty đặt mục tiêu đầy tham vọng đạt 10 triệu con lợn vào năm 2030.
Hòa Phát, sau một thập kỷ, đã vào top 15 nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam và giữ thị phần số 1 về trứng gà sạch tại miền Bắc với sản lượng hơn 900.000 quả/ngày. Dabaco cũng có kế hoạch tăng đàn lên 60.000 heo nái và 1,5 triệu heo thịt, đồng thời đầu tư vào các dự án chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi tại các địa bàn trọng điểm và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao. Masan MEATLife tiếp tục tập trung vào mảng thịt chế biến, hướng đến mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD trong dài hạn.
Theo giới chuyên gia, với thị trường nội địa gần 100 triệu dân, lượng khách quốc tế ngày càng tăng và tiềm năng xuất khẩu, dư địa phát triển cho ngành chăn nuôi Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, cuộc đua giành thị phần với các đối thủ FDI có tiềm lực mạnh về vốn và công nghệ sẽ còn nhiều cam go, đòi hỏi doanh nghiệp nội phải có những chiến lược đột phá và bền vững hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc khai thác lợi thế chi phí hay các yếu tố thị trường ngắn hạn.
Minh Minh
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/loi-nhuan-nganh-chan-nuoi-tang-vot-doanh-nghiep-viet-van-phai-canh-tranh-gianh-thi-phan-tu-fdi-82992.html