Lợi thế và thách thức của Syria trong quá trình chuyển tiếp chính trị

Lợi thế và thách thức của Syria trong quá trình chuyển tiếp chính trị
2 giờ trướcBài gốc
Hôm qua (15/12), Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen đã tới thủ đô Damascus để gặp thủ lĩnh lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Ahmad al-Shara, thảo luận về quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Tại cuộc gặp, thủ lĩnh nhóm Hayat Tahrir al-Sham kêu gọi quốc tế nên có cách tiếp cận mới vì lãnh đạo và tình hình ở Syria đã thay đổi. Ông Ahmad al-Shara mong muốn nhận được sự hợp tác “nhanh chóng và hiệu quả” từ quốc tế, để giải quyết nhu cầu của người dân Syria, khôi phục sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và mở đường cho công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế.
Người dân Syria ở Douma ngày 14/12. Ảnh: Reuters
Về phần mình, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc mong muốn nhìn thấy những bước đi tích cực trong quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria, trong đó quyền lợi của những nhóm người thiểu số phải được đảm bảo. Ông cũng hi vọng, với những bước chuyển mình tới đây của Syria, lệnh trừng phạt quốc tế lên nước này sẽ sớm được gỡ bỏ:
“Chúng ta thấy rằng, vấn đề này cần được giải quyết nhanh chóng. Hy vọng chúng ta sẽ thấy lệnh trừng phạt nhanh chóng kết thúc, để chúng ta có thể thấy rằng, có sự đoàn kết thực sự xung quanh việc xây dựng lại Syria”.
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và các quốc gia Arab cũng kêu gọi các đảng phái Syria có thể cùng nhau thành lập một Chính phủ Syria mang tính toàn diện, đại diện. Ngoại trưởng Anh David Lammy và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken thừa nhận đã có những liên lạc với nhóm Hayat Tahrir Al Sham, dù nhóm này vẫn trong danh sách khủng bố:
“Hayat Tahrir Al Sham vẫn là một tổ chức bị cấm nhưng chúng tôi có thể có liên lạc ngoại giao. Hôm nay, tôi công bố một gói viện trợ trị giá 50 triệu bảng Anh cho người dân Syria. Chúng tôi muốn thấy một tương lai do người Syria lãnh đạo và do người Syria sở hữu. Chúng tôi muốn một chính phủ Syria tương lai toàn diện, bao trùm”.
“Chúng tôi đã liên lạc với lực lượng Hayat Tahrir Al Sham và với các bên khác. Chúng tôi có lợi ích quan trọng trong việc giúp người dân Syria vạch ra con đường mới. Chúng tôi biết rằng những gì xảy ra bên trong Syria có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng vượt xa biên giới của nước này, từ tình trạng di cư hàng loạt đến chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể đánh giá thấp những thách thức của thời điểm này và trong những tuần và tháng tới".
Chính quyền chuyển tiếp Syria cũng có thêm động lực từ quốc tế khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã ngay lập tức mở cửa trở lại Đại sứ quán tại nước này sau hơn một thập kỷ, để thể hiện sự ủng hộ. Nga, Iran - 2 nước hậu thuẫn mạnh cho chính quyền cũ ở Syria cũng tuyên bố sẽ thích nghi với tình hình mới và để ngỏ khả năng hợp tác với chính quyền tương lai của quốc gia Arab này.
Như vậy, Syria đang có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển tiếp, tuy nhiên không phải không có những thách thức lớn chờ đợi: việc chính phủ lâm thời chia sẻ quyền lực cho các nhóm khác nhau đang là một vấn đề lớn và một cuộc nội chiến mới hoàn toàn có khả năng xảy ra nếu việc phân chia quyền lực thất bại; một công cuộc tái thiết lớn cần nhiều tiền của chưa biết lấy từ đâu; mối nguy tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng trỗi dậy và cuối cùng là độc lập và toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh nhiều nước can thiệp, Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan.
Đình Nam/VOV1 Tổng hợp
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/loi-the-va-thach-thuc-cua-syria-trong-qua-trinh-chuyen-tiep-chinh-tri-post1142372.vov