Theo thống kê, trong 05 năm gần đây (từ năm 2019 đến năm 2024), trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ cháy đối với các cơ sở, doanh nghiệp trong khu – cụm công nghiệp, gây chết 04 người, bị thương 05 người và thiệt hại về tài sản 38,65 tỷ đồng.
Qua đó, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy; Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chỉnh phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy bằng các hình thức phù hợp để cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động nắm được và tự giác chấp hành.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp để cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động tự giác chấp hành, nhất là việc hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát nạn khi có tình huống cháy xảy ra.
Thường xuyên tổ chức Hội thảo, Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, chuyên ngành; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức các Hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách về công tác phòng cháy chữa cháy và yêu cầu các Công ty đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp ký cam kết đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong quá trình hoạt động.
Hướng dẫn, yêu cầu các công ty đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp lập hồ sơ thiết kế, thi công, lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy cho hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; thành lập, củng cố, duy trì hoạt động, xây dựng cơ chế tổ chức, đảm bảo về biên chế, chế độ hoạt động thường trực, tập huấn, xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn đối với Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, chuyên ngành hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ. Bố trí kinh phí và đầu tư trang bị xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy theo quy định tại Điều 9.1 TCVN 3890:2023 và trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định tại Thông tư số 150/2020/TT-BCA của Bộ Công an.
Định kỳ hàng năm, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ; giả định tình huống cháy, nổ, sự cố phức tạp cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; duy trì đảm bảo công tác thường trực, sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ kịp thời, có hiệu quả khi có tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn.
Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp; đặc biệt là công tác thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các công ty đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp.
Khi tiến hành thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy đối với các dự án, công trình phải thực hiện đúng quy trình, trình tự thẩm duyệt, xem xét đối chiếu thẩm duyệt đầy đủ các nội dung công việc theo quy định, yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án, giám sát thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, nhất là các quy định có liên quan đến lối thoát nạn, các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, cháy lớn. Không tổ chức nghiệm thu đối với các dự án, công trình không đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Tham mưu, đề xuất xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp nếu để các cơ sở đi vào hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các công ty đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, không để tình trạng các công ty đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp hoạt động khi không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Ảnh minh họa.
Khi có các vụ cháy xảy ra, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xem xét truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra cháy do nguyên nhân chủ quan và tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện các vụ cháy xảy ra theo đúng quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục nghiên cứu cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp nói riêng; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp, thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở được quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; làm tốt công tác phòng ngừa sự cố, tai nạn và công tác chuẩn bị cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ).
Chấp hành nghiêm sự hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại doanh nghiệp mình; có biện pháp khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế đã được các cơ quan quản lý chỉ ra trong các đợt thanh tra, kiểm tra. Đình kỳ hằng tháng phải tự tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế từ đó có biện pháp khắc phục ngay nhằm loại trừ các nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Các doanh nghiệp chỉ được phép đi vào hoạt động sản xuất khi nhà máy, xưởng sản xuất được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và cơ sở chuẩn bị đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Giang Sơn - Phạm Hổ