Long Mỹ hướng đến tương lai tươi sáng

Long Mỹ hướng đến tương lai tươi sáng
5 giờ trướcBài gốc
Thực chất, để tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,34%, giảm 2,07% so với năm 2023, là cả một sự nỗ lực của Long Mỹ. Bởi huyện có đến 5 xã được công nhận là xã An toàn khu, có nghĩa là vùng đất nơi đây từng chịu rất nhiều tác động từ chiến tranh. Huyện cùng là địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Giảm nghèo là hành trình không ngừng nghỉ
Để vượt qua khó khăn, những năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả để giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Một trong những yếu tố then chốt trong công tác giảm nghèo của huyện là việc quản lý và khai thác hiệu quả đất đai. Riêng thị xã Long Mỹ đã siết chặt việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất, quản lý quy hoạch xây dựng và đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, huyện Long Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ sinh kế và tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo. Các chương trình đào tạo nghề của địa phương kết hợp với Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh đã gắn với giải quyết việc làm được triển khai mạnh mẽ, giúp người lao động có kỹ năng và cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định.
Bưởi da xanh là một trong những cây trồng chủ lực ở huyện Long Mỹ.
Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân, một số HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tín dụng chính sách, giúp họ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, duy trì và phát triển các nghề truyền thống. Tỉnh Hậu Giang cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho các HTX vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và các ngân hàng để đầu tư phát triển nông nghiệp, và Liên minh HTX tỉnh có vai trò quan trọng trong việc triển khai các chính sách này.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Lương Tâm – Saemaul được xây dựng với sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc (SGF) và nhận được các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để phát triển.
Hay một số HTX tham gia Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 như HTX nuôi lươn Thuận Phát, HTX nông nghiệp Thuận Lợi, HTX nông nghiệp Phúc Thịnh, HTX nông nghiệp Cao Cường. Các HTX này đã được thẩm định danh mục đầu tư và đã, đang trong quá trình tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ đề án.
Hay HTX Nông nghiệp Bình Hiếu hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực lúa gạo và có ứng dụng cơ giới hóa đang cho thấy tiềm năng tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng và phát triển.
Ngoài ra, huyện Long Mỹ cũng chú trọng đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các nguồn vốn từ các chương trình này được sử dụng hiệu quả để hỗ trợ người dân, một số HTX về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, trong năm 2025, huyện Long Mỹ đã phát động nhiệm vụ xóa trắng hộ nghèo, thể hiện quyết tâm cao trong việc cải thiện đời sống cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn nhất. Các hoạt động hỗ trợ thiết thực, trao tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được triển khai, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.
HTX - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế
Trong bức tranh phát triển kinh tế của huyện Long Mỹ, các HTX ngày càng khẳng định vai trò là một động lực quan trọng. Với số lượng 38 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả, các HTX không chỉ giúp người nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mà còn đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Các HTX ở Long Mỹ hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu là nông nghiệp, với các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. HTX Nông nghiệp Bình Hiếu là một ví dụ điển hình, với các hoạt động hỗ trợ thành viên về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác và liên kết tiêu thụ lúa gạo. HTX này còn ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.
Người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Một số HTX đã xây dựng được các sản phẩm OCOP có chất lượng và thương hiệu, như gạo thơm trắng Jasmine Thuận Lợi, gạo sạch Lộc Phát, trà mãng cầu Thuận Hòa, khô trâu Tàu Lùng, chả giò lươn, chả lụa, nón lục bình. Các sản phẩm này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho thành viên HTX mà còn góp phần quảng bá đặc sản của địa phương
Hay mô hình kinh tế tuần hoàn của anh Bùi Tiền Giang (Út Giang) ở xã Vĩnh Viễn A cũng là một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ở Long Mỹ. Từ khởi nghiệp với nuôi bò, anh đã phát triển thêm mô hình nuôi trùn, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ, tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững và hiệu quả.
Đặc biệt, huyện Long Mỹ đã triển khai mô hình Làng Nông thôn mới - Saemaul tại xã Lương Tâm, với sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc (SGF). HTX Nông nghiệp Lương Tâm - Saemaul Hàn Quốc đã phát huy vai trò tập hợp, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên doanh, liên kết tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao thu nhập và thay đổi diện mạo nông thôn.
Để phát triển hơn nữa vai trò của HTX, huyện Long Mỹ đã tập trung vào việc tăng cường liên kết "4 nhà" (Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân/HTX). Huyện thường xuyên kết hợp với Liên minh HTX tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện thuận lợi để HTX tham gia các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Các HTX cũng chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để được hỗ trợ kịp thời.
"Trái ngọt" từ kinh tế hàng hóa
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác giảm nghèo và sự phát triển mạnh mẽ của các HTX, huyện Long Mỹ đang từng bước xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong đó đến nay, điểm nổi bật nhất là Long Mỹ đã thu được những thành quả nhất định trong quá trình tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất nông nghiệp an toàn với thị trường và phát triển du lịch nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được người dân, HTX chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, khóm, chanh không hạt, bước đầu đạt tiêu chuẩn GAP. Tiêu biểu như HTX Tiến Nông (thị trấn Vĩnh Viễn) có 37ha chuyên trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP. Hiện, bưởi da xanh của HTX có đầu ra khá ổn định, giá bán luôn cao hơn bưởi da xanh thông thường từ 5.000-10.000 đồng/quả.
Ngoài diện tích cây ăn quả, huyện còn phát triển các mô hình lúa chất lượng cao, thậm chí huyện còn có vùng chuyên canh lúa đạt gần 4.000ha, với các cánh đồng lớn từ 350-500 ha mỗi xã.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản thông qua các tổ hợp tác, HTX như nuôi lươn, cá thát lát, tôm - lúa, tận dụng lợi thế vùng đất để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình tưới tiết kiệm.
Các HTX và nông dân ngày càng chú trọng đến việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, giúp giảm chi phí và nâng cao năng suất.
Mặc dù vẫn còn những thách thức, nhưng với những nỗ lực và sự tin tưởng vào mô hình kinh tế tập thể, HTX để phát triển kinh tế hàng hóa, Long Mỹ hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng, không còn hộ nghèo và kinh tế ngày càng phát triển.
Cánh Sóng
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//mo-hinh/long-my-huong-den-tuong-lai-tuoi-sang-1106600.html