Theo thống kê, toàn huyện Phú Giáo hiện có 704 hộ và cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi cũng phát triển mạnh với 157 trang trại, chủ yếu áp dụng mô hình lạnh khép kín.
“Cú hích” mạnh từ công nghệ
Có thể khẳng định, huyện Phú Giáo đang trở thành một trong những địa phương tiên phong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương. Các doanh nghiệp, HTX, nông dân mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Huyện Phú Giáo đang trở thành một trong những địa phương tiên phong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương.
Ông Châu Văn Lợi, chủ trang trại bưởi da xanh ở xã Phước Hòa chia sẻ, trước đây, việc tưới nước cho vườn bưởi tốn rất nhiều công sức. Hiện nay, trang trại đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên đã giảm được 50% lượng nước, tiết kiệm 30% chi phí phân bón, trong khi năng suất tăng 20%.
Trong khi đó, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình) đã đầu tư nhà màng, nhà kính cùng hệ thống điều khiển tự động giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và tắm sáng. Giám đốc HTX Nguyễn Hồng Quyết cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao, dưa lưới trồng trong nhà kính cho năng suất 30 tấn/ha, gấp đôi so với cách trồng truyền thống, giá bán cũng cao hơn do đạt chuẩn an toàn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại huyện Phú Giáo đang thử nghiệm áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) trong giám sát cây trồng. Như tại xã Phước Sang, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Green Farm đang áp dụng AI để phát hiện sâu bệnh và cảnh báo thiếu nước hoặc dinh dưỡng chính xác, giúp nông dân xử lý kịp thời.
Lĩnh vực chăn nuôi tại huyện Phú Giáo cũng chuyển mình sang mô hình khép kín, ứng dụng công nghệ cao.
Anh Nguyễn Hữu Quang, chủ trang trại gà tại xã Vĩnh Hòa cho hay, anh đang ứng dụng hệ thống máy cho ăn và uống nước tự động, giúp tiết kiệm 30% chi phí nhân công, tăng sản lượng thịt gà thêm 10%. Công ty CP Việt Nam - Chi nhánh Phú Giáo đã triển khai hệ thống chuồng trại làm mát tự động cho đàn heo 5.000 con, giúp giảm 30% hao hụt do dịch bệnh...
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường, huyện Phú Giáo đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Người dân được hỗ trợ giám sát trang trại qua điện thoại, dự báo thời tiết, dịch bệnh nhờ AI. Toàn huyện hiện có 31 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”), dự kiến có thêm 4 - 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong năm 2025.
Định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2030, huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Mục tiêu là tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện, đến năm 2030 đạt trên 30% và đến năm 2040 là 50%.
Huyện sẽ xây dựng thương hiệu, đăng ký xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm nông sản chủ lực; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; chuyển đổi loại hình tổ chức sản xuất từ hộ gia đình sang HTX, trang trại và thúc đẩy ngành dịch vụ liên quan.
“Lợi ích kép” của sản xuất sạch
Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo Tô Văn Đạt cho biết, bên cạnh đầu tư hệ thống tưới tự động hay nhà kính, các mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện đang tích cực ứng dụng thiết bị cảm biến, phần mềm phân tích dữ liệu và hệ thống cảnh báo sớm dịch bệnh. Nhờ vậy, nông dân có thể điều chỉnh hoạt động canh tác kịp thời, giảm chi phí đầu vào và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Du lịch sinh thái vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa tạo thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch.
Toàn huyện hiện có 107 cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP. Đây là bước đệm quan trọng giúp nông sản huyện Phú Giáo dễ dàng tiếp cận các kênh phân phối hiện đại và thị trường xuất khẩu.
“Các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Phú Giáo cũng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường. Người nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ thay thế các sản phẩm hóa học; đồng thời áp dụng các kỹ thuật tái sử dụng, tái chế chất thải và nước thải trong quá trình sản xuất. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường”, ông Đạt nói.
Có thể nói, việc kết hợp hoạt động du lịch với nông nghiệp công nghệ cao giúp huyện Phú Giáo xây dựng loại hình du lịch mới, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có với các mô hình, trang trại nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, tham quan các trang trại nông nghiệp công nghệ cao là một trong những hoạt động du lịch tiêu biểu của huyện Phú Giáo. Điển hình như khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, đến đây du khách vừa có thể tham quan vừa học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, đặc biệt là mô hình trồng dưa lưới, chuối hữu cơ và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Trang trại Chiến Thắng Citafarm (xã Tam Lập) cũng là nơi lý tưởng cho các bạn trẻ đến trải nghiệm với loại hình tham quan vườn cây ăn trái đầy đủ các loại đặc trưng của tỉnh. Du khách có thể trải nghiệm cảm giác thú vị với hoạt động câu cá giải trí, khám phá khu rừng nguyên sinh với diện tích hơn 10ha.
Theo lãnh đạo huyện Phú Giáo, địa phương đang từng bước định hình hướng đi mới cho ngành công nghiệp, đó là kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp hiện đại với phát triển du lịch trải nghiệm. Đây được xem là mô hình phát triển bền vững, vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa tạo thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch.
Góp phần giảm nghèo bền vững
Sau 25 năm kể từ ngày tái lập huyện (1999), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Giáo đồng lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ rệt theo hướng tích cực, đời sống nhân dân từng bước nâng cao, diện mạo đô thị và nông thôn đổi thay mạnh mẽ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng hơn 38 lần so với thời điểm tái lập. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 85,2 triệu đồng/người/năm, tăng 10,94% so với năm 2023.
Đặc biệt, Phú Giáo trở thành địa phương đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 6.660 tỷ đồng vào năm 2024. Các mô hình sản xuất tiên tiến như trồng trọt trong nhà màng, chăn nuôi thông minh, HTX kiểu mới… đang từng ngày khẳng định hiệu quả và tính bền vững.
Đặc biệt, trong năm 2024, huyện đã thành lập thêm 2 HTX, nâng tổng số HTX đang hoạt động lên 27, với hiệu quả hoạt động rõ rệt.
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã phối kết hợp và thông qua Liên minh HTX tỉnh Bình Dương có những chính sách hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời và đúng nhu cầu của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói chung, huyện Phú Giáo nói riêng. Từ đó, các HTX, tổ hợp tác hiểu rõ hơn về Luật HTX, quy trình sản xuất kinh doanh, nhu cầu và các quy định của thị trường, cách thức tiếp cận vay vốn để đầu tư. Đặc biệt, những lớp tập huấn đã giúp thành viên các HTX học hỏi được các công nghệ mới, cách thức bán hàng mới, nhất là trong thương mại điện tử và nền tảng số. Nhờ vậy, nhiều HTX và tổ hợp tác làm ăn ngày càng hiệu quả hơn, nâng cao giá trị của sản phẩm và thu nhập của thành viên, hộ dân liên kết.
Tham gia Chương trình OCOP từ năm 2022, HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa) là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của huyện Phú Giáo. Năm 2022, sản phẩm ổi của HTX đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Giám đốc Nguyễn Hoàng Trọng Hiếu cho biết, HTX có 7 thành viên, chủ yếu trồng ổi nữ hoàng ruột đỏ và ổi Đài Loan. Từ khi sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, giá trị sản phẩm của HTX đã được nâng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định.
“Không chỉ dừng ở làm logo, khẩu hiệu, chúng tôi còn luôn nỗ lực đưa chất lượng sản phẩm đi cùng thương hiệu. Năm 2025, HTX tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP để được công nhận lại”, anh Hiếu nói.
Trong công tác giảm nghèo và phát triển an sinh xã hội, huyện Phú Giáo tập trung vào các chương trình hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo và nhóm yếu thế; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục và bảo hiểm xã hội; hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, người khuyết tật; đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu là đến năm 2030, Phú Giáo cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, nâng cao chất lượng sống một cách toàn diện cho người dân.
Phương Linh