Long Thành lại tiếp tục ghi nhận ổ dịch chó dại, người dân bức xúc vì tình trạng chó thả rông

Long Thành lại tiếp tục ghi nhận ổ dịch chó dại, người dân bức xúc vì tình trạng chó thả rông
7 ngày trướcBài gốc
Nhân viên y tế tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh dại cho người dân trên địa bàn huyện Long Thành. Ảnh: Hạnh Dung
Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay cộng với thói quen nuôi chó thả rông của người dân sẽ là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh dại bùng phát trên diện rộng.
Ngồi trên xe máy cũng bị chó dại cắn
Thông tin từ Trung tâm y tế huyện Long Thành, gia đình ông N.A.H., ngụ ấp 1C, xã Phước Thái có nuôi 2 con chó khoảng 5 tuổi. Mặc dù 2 con chó này đã được tiêm vaccine phòng dại hồi tháng 4-2024 nhưng gia đình không nuôi nhốt mà thả rông, không rọ mõm.
Đến ngày 4-4-2025, một trong 2 con chó có biểu hiện lạ, hung dữ, cắn nhau với chó nhà hàng xóm, cắn chết một con mèo. Tối cùng ngày, cháu N.N.M.C., 6 tuổi, ngụ cùng ấp đang ngồi phía sau xe máy mẹ chở đi ngoài đường đã bị con chó này nhảy lên cắn vào bàn chân, cổ chân, cẳng chân trái.
Sau khi con chó cắn người, có biểu hiện hung dữ, ông H. nghi ngờ chó bị bệnh dại nên xích lại để theo dõi. Trong quá trình xích chó, ông H. bị con chó cắn vào bàn tay phải, vết thương sâu.
Vài ngày sau đó, con chó đã chết nên gia đình ông H. báo với Trạm y tế xã Phước Thái. Trung tâm y tế huyện Long Thành phối hợp với Trạm Chăn nuôi và thủy sản huyện Long Thành đã tiến hành lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, con chó dương tính với virus dại.
Một con chó còn lại của nhà ông H. đã được yêu cầu nhốt lại để theo dõi. Đối với ông H. và bé C. đều đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế.
Kết quả điều tra dịch tễ do Trạm Chăn nuôi và thủy sản huyện Long Thành cung cấp cho thấy, quanh khu vực nhà ông H. có 31 hộ dân nuôi 58 con chó. Tất cả 58 con chó này đều thả rông, không có rọ mõm. Trong đó có 45 con chó đã được tiêm vaccine phòng dại nhưng 37 con trong số đó được tiêm từ ngày 10-4-2024, đến nay đã hết hiệu lực bảo vệ; 13 con chó chưa được tiêm vaccine dại.
Tiêm vaccine phòng dại cho chó trên địa bàn huyện Long Thành. Ảnh: Hạnh Dung
Như vậy, chỉ trong vài tháng từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn xã Phước Thái đã ghi nhận 3 ổ dịch chó dại tại ấp Long Phú, ấp 3 và ấp 1. Hồi tháng 2 vừa rồi, bà N.T.N., 76 tuổi, ngụ ấp Hiền Hòa, xã Phước Thái đã tử vong do bị chó nhà nuôi cắn mà chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại. Đáng quan ngại là sau khi con chó cắn bà N. bị đánh chết, gia đình bà N. đã đem 2 con chó còn lại của gia đình thả vào lô cao su, đến nay không rõ tình trạng ra sao.
Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành Dương Minh Tân nhận định, tình hình dịch bệnh dại tại địa phương đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ đã lan âm ỉ trong cộng đồng. Việc các hộ gia đình tại địa phương nuôi nhiều chó nhưng thả rông mà không rọ mõm làm tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người, đặc biệt là bệnh sán chó và bệnh dại.
Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch từ 10-15 phút bằng xà phòng và sát khuẩn bằng dung dịch cồn 70 độ hoặc Povidime. Tuyệt đối không nặn máu từ vết thương, không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá thuốc theo quan niệm dân gian để tránh nhiễm trùng vết thương và khiến virus xâm nhập vào sâu hơn. Sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt.
Bức xúc với tình trạng chó thả rông
Sau khi Báo Đồng Nai đăng tải bài viết “Điểm nóng” về dịch bệnh dại tại huyện Long Thành”, nhiều bạn đọc đã bày tỏ quan điểm và cho biết nhiều thông tin liên quan đến việc quản lý vật nuôi (chó, mèo) của người dân trên địa bàn huyện Long Thành.
Bà Đặng Thơm, ngụ xã Phước Bình chia sẻ: “Nhiều gia đình nuôi chó không xích lại, cứ thả rông đầy đường. Chó nó phát dại lúc nào đâu biết được, không may chó dại cắn người hậu quả khôn lường. Vậy nên các hộ nuôi chó cần phải có ý thức, không vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng tới người khác”.
Hộ chăn nuôi chó mèo trên địa bàn huyện Long Thành ký cam kết về việc phòng chống bệnh dại trên chó, mèo. Ảnh: Hạnh Dung
Ông Hồ Trung, ngụ xã Tân Hiệp bức xúc: “Nhiều khi chạy xe máy ngoài đường mà bị chó rượt theo rất sợ. Chó thả rông không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường mà còn phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh. Chúng tôi mong sao trên địa bàn huyện có đội bắt chó thả rông để bắt nhốt chó, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân”.
Bà Lý Tuyệt, ngụ xã Bàu Cạn thì đề nghị các cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay, xử lý triệt để tình trạng chó thả rông, chó mèo chưa tiêm vaccine phòng dại theo quy định. “Trời nắng nóng mà đi ra ngoài đường thấy chó nằm dài lè lưỡi, chảy nước dãi tôi thấy rất sợ hãi, không dám đi ngang qua chỗ con chó đang nằm luôn” – bà Tuyệt nói.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh dại, Trung tâm y tế huyện Long Thành đề xuất Trạm Chăn nuôi và thủy sản huyện, Trạm Thú y xã và UBND xã Phước Thái tiến hành các biện pháp, chế tài nhằm quản lý các hộ dân trên địa bàn xã có nuôi chó, mèo. Yêu cầu các hộ dân phải nhốt chó mèo, đeo rọ mõm khi đi ra đường và tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ.
Trung tâm y tế huyện kiến nghị UBND huyện Long Thành chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và thủy sản huyện tăng cường phối hợp tốt với các xã, thị trấn để thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Trạm Chăn nuôi và thủy sản huyện Long Thành, hiện nay, việc tiêm vaccine dại cho đàn chó, mèo được triển khai theo hình thức xã hội hóa, tức là người dân tự bỏ tiền để tiêm vaccine. Tuy nhiên, giá mỗi liều vaccine phòng dại cho chó, mèo rất thấp. Vì vậy, các hộ dân nuôi chó, mèo cần tự giác chấp hành việc tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi nhằm đảm bảo an toàn cho cả vật nuôi và những người trong gia đình, những người xung quanh.
Nhấn mạnh sự nguy hiểm của bệnh dại, bác sĩ Đoàn Quốc Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, 100% bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều sẽ tử vong. Biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bệnh dại chính là tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được chủ quan khi bị chó, mèo cắn, dù là chó nhà nuôi hay chó nhà hàng xóm, chó thả rông không rõ nguồn gốc, chó đã được tiêm vaccine dại hay chưa được tiêm vaccine dại. Bởi sự chủ quan của người dân có thể sẽ phải trả giá rất đắt.
Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi ngờ bệnh dại (chó dễ kích động, cắn sủa người dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn, cắn, gặm bừa bãi, bỏ ăn, chảy nhiều nước dãi), người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hạnh Dung
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202504/long-thanh-lai-tiep-tuc-ghi-nhan-o-dich-cho-dai-nguoi-dan-buc-xuc-vi-tinh-trang-cho-tha-rong-f176c8d/