Lũ lịch sử ở Nghệ An và sự quyết đoán '3 thời điểm vàng' của Chủ tịch tỉnh Lê Hồng Vinh

Lũ lịch sử ở Nghệ An và sự quyết đoán '3 thời điểm vàng' của Chủ tịch tỉnh Lê Hồng Vinh
một giờ trướcBài gốc
Ngày 27-7, chính quyền, cơ quan chức năng, các đoàn thể tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai các hoạt động trợ giúp người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả do trận lũ lịch sử gây ra.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu xả nước đón lũ
Nhiều người ở Nghệ An cho rằng trong đợt lũ sau bão số 3 vừa qua, nếu không điều tiết kịp thời hồ thủy điện Bản Vẽ, có nguy cơ xảy ra thảm kịch tại tỉnh này. Hồ thủy điện Bản Vẽ chắn ngang dòng sông Nậm Nơn, đoạn qua xã miền núi Yên Na, chảy từ Lào về, với diện tích lưu vực 8.700 km2. Đây là hồ thủy điện lớn nhất ở Bắc Trung Bộ.
Lũ dữ cuốn qua xã Mỹ Lý ở thượng nguồn hồ thủy điện Bản Vẽ.
Trước bão số 3, từ ngày 22-7, ông Lê Hồng Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, đã yêu cầu phải xả rút bớt nước trong hồ thủy điện Bản Vẽ.
“Chúng tôi nhận được lệnh xả, phải xả rút bớt nước trong lòng hồ. Thời điểm ấy, nước trong lòng hồ còn thấp, cách cao độ mức nước đón lũ 2 - 3 m. Theo quy định, quy trình lúc ấy chưa cần xả rút bớt nước trong lòng hồ. Tuy nhiên, thực hiện theo lệnh, chúng tôi ra thông báo và xả nước vào chiều cùng ngày"- ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, thông tin.
Hồ thủy điện Bản Vẽ xả nước.
Theo ông Tạ Hữu Hùng, các cửa van của hồ thủy điện Bản Vẽ mở hoàn toàn, tổng lưu lượng nước xả qua công trình 845 m3/s, mực nước hồ cùng thời điểm 191,2 m; trong khi mực nước đón lũ thấp nhất là 191,5 m.
Sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong xả nước đã làm hồ thủy điện Bản Vẽ có thêm dung tích đón lũ. Bởi ngay sau đó, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trên lưu vực thủy điện Bản Vẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa quan trắc được tại một số trạm từ 310 mm đến hơn 477 mm.
Mưa đặc biệt lớn đã gây lũ trên các xã vùng biên tỉnh Nghệ An, rồi nước lũ ào ào đổ xuống lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. “Nhờ xả rút bớt nước trước đó nên hồ có dung tích để hứng nước lũ dữ về trong đêm”- ông Hùng nói.
Gần 24 giờ đêm 22-7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký thông báo hỏa tốc, nêu: Lúc 21 giờ ngày 22-7, lưu lượng về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543 m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500 m3/s (tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm mới xảy ra một lần).
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các xã có thể bị ảnh hưởng khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.
Người dân Nghệ An chạy lũ.
Hơn 14 xã ở khu vực thủy điện Bản Vẽ nhận được công văn hỏa tốc liền triển khai sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đến 2 giờ ngày 23-7, lũ về hồ đạt đỉnh với lưu lượng 12.800 m3/s.
Theo ông Hùng, lúc này, lũ đã vượt tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm mới xảy ra một lần, tình hình cực kỳ căng thẳng.
Lưu lượng xả qua công trình cùng thời điểm là 3285 m3/s, các cửa van vẫn mở hoàn toàn.
"Lúc đó, tỉnh trực tiếp chỉ đạo vận hành hồ sát từng giây, từng phút. Lúc 5 giờ sáng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo trực tiếp giảm xả lũ để cứu người dân phía dưới và chỉ được xả tối đa 5.000 m3/s, tức cắt giảm đến 74% lưu lượng đỉnh lũ”- ông Hùng kể.
Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An và Bộ Công thương kiểm tra hồ và Nhà máy thủy điện Bản Vẽ hôm 23-7.
Sáng 23-7, ông Vinh cùng đoàn công tác của tỉnh vượt gần 150 km lên xã miền núi Con Cuông kiểm tra thực tế, chỉ đạo thủy điện Bản Vẽ giảm lưu lượng xả xuống 4.000 m3/s để không trôi bản làng.
Rất may, từ trưa 23-7, ở nước Lào và thượng nguồn, trời mưa nhỏ dần, lượng nước lũ đổ về thủy điện Bản Vẽ giảm xuống, không còn uy hiếp đập thủy điện.
Giảm thiểu thiệt hại cho dân
“Sự quyết đoán, đúng thời điểm của Chủ tịch tỉnh Nghệ An đã cứu cho khu vực hạ lưu rất nhiều. Bởi thời điểm ấy phía bên dưới, hầu hết người dân đã kêu cứu”- ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, nếu không điều hành thủy điện Bản Vẽ cắt lũ kịp thời, nước lũ đổ về hạ nguồn sẽ cực kỳ lớn và tình hình ngập lũ ở hạ lưu sẽ rất căng thẳng. Nhờ vậy, đợt lũ vừa qua, các xã bên dưới lòng hồ thủy điện Bản vẽ không có thương vong về người.
Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An cũng cho rằng nếu không có sự phối hợp kịp thời, thì với quy mô trận lũ vừa qua, nguy cơ xảy ra thảm kịch rất lớn.
Ông Lê Hồng Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (thứ tư từ phải sang) thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ người dân xã miền núi Mường Típ.
Trao đổi với PLO, ông Lê Hồng Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nói: “Chúng tôi đã cố gắng chỉ đạo điều hành để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho người dân, để bà con nhân dân có cuộc sống ổn định”.
Theo ông Vinh, cũng như thời gian vàng cứu người bị tai biến, có ba nhịp, ba thời điểm vàng để đưa ra quyết định rút bớt nước trong lòng hồ trước khi bão vào, điều tiết xả lũ hồ thủy điện, chỉ đạo sơ tán nhân dân vùng dưới lòng hồ thủy điện kịp thời.
Ông Lê Hồng Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (thứ 3 từ phải sang) thăm hỏi, động viên người dân miền núi Nghệ An bị thiệt hại do mữa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng cơ bản nhất là điều hành, chỉ đạo điều tiết kịp thời; phải từ cơ sở khoa học dựa trên số liệu chứ không theo ý chí cá nhân.
"Chúng tôi thường xuyên nắm bắt thông tin về thời tiết, lượng mưa, lũ về để đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Chúng tôi cũng nhận được thông tin báo cáo kịp thời mưa lũ của bộ đội biên phòng ở biên giới. Những đợt mưa lũ các năm trước lượng nước về chỉ 4.000-4.500 m3/s, nhưng đợt lũ này lên đến 12.800 m3/s là điều không tưởng nên công văn mới nêu ra con số xác suất 5.000 năm"- ông Vinh cho biết và chia sẻ thêm, đó là con số khoa học, nêu con số để chỉ đạo những người có hiểu biết chuyên môn, biết được mức độ lũ lớn nhỏ, chứ không phải để đưa ra công chúng...
Chiều 25-7, ông Lê Hồng Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ quét tại xã biên giới Mường Típ.
Đắc Lam
Nguồn PLO : https://plo.vn/lu-lich-su-o-nghe-an-va-su-quyet-doan-3-thoi-diem-vang-cua-chu-tich-tinh-le-hong-vinh-post862645.html