Lừa đảo trực tuyến năm 2024: Người dùng Việt thiệt hại 18.900 tỷ đồng

Lừa đảo trực tuyến năm 2024: Người dùng Việt thiệt hại 18.900 tỷ đồng
5 giờ trướcBài gốc
Lừa đảo trực tuyến: Không gian ảo thiệt hại thật
Lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành, gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam trong năm 2024. Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ VNĐ.
Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ VNĐ.
Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp.
Theo chuyên gia của hiệp hội, việc báo cáo với các cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân nạn nhân và ngăn chặn các hành vi phạm pháp. Thứ nhất, việc báo cáo sẽ giúp cơ quan chức năng có thông tin kịp thời để điều tra, thu thập bằng chứng, từ đó tăng khả năng truy bắt và xử lý các đối tượng lừa đảo. Thứ hai, việc báo cáo cũng có thể giúp người bị hại phục hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, đặc biệt khi cơ quan chức năng can thiệp sớm và phong tỏa được tài sản liên quan.
Hơn nữa, mỗi vụ lừa đảo được báo cáo sẽ góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về các chiêu trò, phương thức hoạt động của các đối tượng, từ đó cảnh báo cộng đồng, ngăn ngừa các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho nhiều người khác. Do đó, báo cáo không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn đóng góp vào việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, minh bạch, lành mạnh hơn cho cộng đồng.
Những hình thức lừa đảo phổ biến
Hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Bên cạnh các kịch bản tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như: công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân; ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân; dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc… Việc ứng dụng công nghệ cao khiến cho nhiều nạn nhân khi tiếp xúc các nội dung giả mạo đã không phân biệt được thật - giả, dẫn tới dễ bị mắc lừa.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo: “Tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại”.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.
Bên cạnh đó, mã độc vẫn tiếp tục tấn công người dùng cá nhân. Năm 2024 thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng mới, trong đó có sự chuyển dịch mục tiêu tấn công mã độc từ khu vực cá nhân sang tấn công tổ chức. Tuy nhiên theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ của Hiệp hội: “Mặc dù mục tiêu có thể là tấn công tổ chức nhưng khi triển khai, các nhóm tin tặc luôn chọn tấn công người dùng để làm bàn đạp đầu tiên. Trong nhiều năm tới, người dùng cá nhân vẫn là mục tiêu ưa thích của các loại mã độc”.
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến thiết bị nhiễm mã độc là do người dùng cài đặt ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng. Chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần tránh tải xuống phần mềm từ các nguồn không rõ ràng, đặc biệt không tải từ các đường link nhận được qua chat, email. Khi có nhu cầu cài đặt phần mềm, hãy truy cập trực tiếp các kho ứng dụng chính thống hoặc các website được cung cấp chính thức của nhà sản xuất. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành để vá các lỗ hổng, cài đặt các phần mềm diệt virus uy tín và sao lưu dữ liệu định kỳ để giảm thiểu thiệt hại khi bị tấn công.
Người dùng cá nhân cũng cần trang bị kiến thức, sử dụng các công cụ bảo mật tiên tiến và cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ thông tin trên không gian mạng. Các cơ quan chức năng và tổ chức an ninh mạng cần phối hợp để đối phó hiệu quả với các thách thức mới, bảo vệ một không gian mạng an toàn và đáng tin cậy hơn.
Thái Nhung
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/lua-dao-truc-tuyen-nam-2024-nguoi-dung-viet-thiet-hai-18-900-ty-dong-10296638.html