Luân chuyển giáo viên khó thực hiện, 'người trong cuộc' chia sẻ lý do

Luân chuyển giáo viên khó thực hiện, 'người trong cuộc' chia sẻ lý do
7 giờ trướcBài gốc
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong giai đoạn tiếp theo là "nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn".
Những năm vừa qua, nhờ các chính sách thu hút giáo viên đến công tác tại miền núi và vùng đặc biệt khó khăn, công tác điều động, luân chuyển giáo viên đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn trăn trở về quyền lợi khi phải chuyển đến công tác từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa.
Luân chuyển giáo viên khó thực hiện
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nông Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Giáo (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) nhận định, việc luân chuyển, điều động giáo viên hiện nay đang trở thành giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương.
Theo thầy Hiếu, thông thường, nếu cơ sở giáo dục thiếu giáo viên, ban giám hiệu nhà trường sẽ gửi đề nghị lên phòng giáo dục và đào tạo trực tiếp quản lý. Sau đó, phòng giáo dục và đào tạo sẽ phối hợp với phòng nội vụ huyện để xem xét tình hình nhân sự ở các trường khác, từ đó quyết định điều động hoặc luân chuyển giáo viên sao cho hợp lý. Mục tiêu của quá trình trên nhằm tránh tình trạng một số trường thừa giáo viên trong khi những trường khác lại thiếu, đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có.
Tuy nhiên, thầy Hiếu cũng cho biết thêm, trong 2 năm gần đây, việc luân chuyển, điều động giáo viên trên địa bàn huyện Ba Bể gặp khó khăn nhiều hơn. Trong đó, nhiều trường không thể thực hiện luân chuyển, điều động giáo viên do tình trạng thiếu hụt giáo viên ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều trường thiếu từ 2-3 giáo viên ở một số bộ môn khác nhau, dẫn đến gặp khó khăn trong việc luân chuyển giáo viên từ trường này sang trường khác. Thực tế này đã đặt ra một thách thức lớn cho các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, đặc biệt là trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy ở những vùng khó khăn.
Để giải quyết tình trạng này, địa phương đã áp dụng biện pháp tuyển dụng giáo viên hợp đồng để lấp đầy những vị trí còn trống, trước khi có thể tổ chức tuyển dụng viên chức chính thức. Do đó, nhà trường đảm bảo quá trình giảng dạy không bị gián đoạn và gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cho học sinh”, thầy Hiếu thông tin.
Ngoài ra, thầy Hiếu cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn liên quan đến việc luân chuyển, điều động giáo viên là quyền lợi của thầy cô. Một số giáo viên tự nguyện luân chuyển, điều động đến các vùng sâu, vùng xa vì họ mong muốn được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản. Bởi, đối với nhiều giáo viên, đây là cơ hội để giúp họ cải thiện thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, không phải tất cả giáo viên đều mong muốn hoặc có thể thích nghi với việc thay đổi nơi công tác, đặc biệt là khi phải di chuyển đến các vùng có điều kiện khó khăn hơn. Do đó, trên thực tế, trong một số trường hợp, việc thay đổi nơi công tác có thể gây ra bất lợi cho giáo viên, đặc biệt là về mặt tâm lý và điều kiện sinh hoạt.
Ông Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: NVCC)
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, việc điều động, luân chuyển giáo viên giữa các trường trên địa bàn gần như không được thực hiện trong 6 năm trở lại đây. Trước đây, việc luân chuyển diễn ra thường xuyên hơn, nhưng quá trình gián đoạn trên đang khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đủ số lượng và chất lượng giáo viên.
Một trong những thách thức lớn mà nhiều trường phải đối mặt là tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học và các môn học nhất định dần trở nên phổ biến. Đơn cử trên địa bàn huyện Than Uyên, cấp tiểu học hiện đang thiếu rất nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các môn văn hóa. Trong khi đó, tại cấp trung học cơ sở, tình trạng thiếu giáo viên lại chủ yếu tập trung vào các môn học chuyên biệt như Thể dục, Âm nhạc và Mỹ thuật. Những môn học này thường yêu cầu giáo viên có chuyên môn cao, nhưng nguồn nhân lực tại địa phương không đủ để đáp ứng nhu cầu.
“Ngoài những khó khăn về mặt nhân lực, một yếu tố quan trọng khác khiến cho chính sách luân chuyển giáo viên gặp nhiều thách thức là sự lo ngại của giáo viên về việc phải di chuyển đến các địa phương xa nhà. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cá nhân. Đối với các giáo viên đã ổn định cuộc sống tại những địa phương thuận lợi hơn, việc phải luân chuyển đến vùng khó khăn trở thành một gánh nặng lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên mà còn có tác động tiêu cực đến chất lượng giảng dạy, khi họ phải tập trung đối phó với những khó khăn trong cuộc sống thay vì dành toàn bộ tâm huyết cho công việc.
Mặc dù nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích giáo viên nhận công tác tại các vùng khó khăn, nhưng thực tế cho thấy các chính sách này chưa đủ hấp dẫn để tạo động lực cho giáo viên. Hiện tại, các giáo viên được điều chuyển đến những vùng khó khăn có thể nhận được phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút và một số hỗ trợ khác theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn chưa đủ để giải quyết hết các khó khăn mà giáo viên phải đối mặt. Điều kiện làm việc tại các vùng khó khăn thường thiếu thốn, cơ sở hạ tầng không đảm bảo và điều kiện sống cũng không thuận lợi khiến nhiều giáo viên dù được hỗ trợ vẫn cảm thấy nản lòng khi chuyển công tác đến”, ông Đạt nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Quách Tất Hưởng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu bày tỏ, tình trạng thiếu giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy tại địa phương.
Trong đó, năm học 2024-2025, huyện Nậm Nhùn được giao 443 chỉ tiêu biên chế giáo viên (bậc tiểu học, trung học cơ sở để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018). Tuy nhiên, huyện chỉ tuyển được 352 giáo viên, còn thiếu 91 giáo viên so với biên chế được giao.
Việc thiếu giáo viên với số lượng lớn dẫn đến việc bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ giảng dạy của các trường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với môn Tiếng Anh. Hiện trên địa bàn huyện có 10 giáo viên Tiếng Anh của 17 đơn vị trường tại bậc tiểu học, trung học cơ sở, gồm: 6 trường tiểu học, 6 trường trung học cơ sở và 5 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở. Do đó, việc lên phương án bố trí giảng dạy đảm bảo cho toàn huyện là hết sức khó khăn và vất vả cho giáo viên do phải dồn ghép lớp, dạy liên cấp, liên trường.
Ngoài ra, một số môn học mới như: Hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương (cấp trung học cơ sở) và các môn liên môn cũng thiếu rất nhiều giáo viên trong khi nguồn tuyển giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 rất có hạn.
Cần tạo niềm tin cho nhà giáo thông qua cơ chế giám sát rõ ràng
Theo ông Hưởng, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đạt chuẩn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, ngành Giáo dục đã chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện Nậm Nhùn liên hệ với các trường đại học khu vực phía Bắc để tiến hành tiếp xúc với sinh viên, tuyên truyền về chủ trương, điều kiện và những đãi ngộ nếu về làm việc tại địa phương, Từ đó, các bạn sinh viên có thể cân nhắc tham gia dự tuyển sau khi tốt nghiệp.
Ông Quách Tất Hưởng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Nậm Nhùn)
Thứ hai, tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện Nậm Nhùn cử giáo viên đang công tác đi học nâng cao trình độ để đảm bảo đạt chuẩn theo đúng lộ trình; cử giáo viên tham gia bồi dưỡng môn Tin học, các môn liên môn để thực hiện nhiệm vụ, giảm áp lực cho các trường (số giáo viên được bồi dưỡng năm học 2024-2025 là 71 giáo viên, trong đó có 20 giáo viên dạy môn Tin học, 31 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, 20 giáo viên môn Lịch sử - Địa lí).
Thứ ba, chủ động xây dựng kế hoạch, quy mô trường lớp, đề xuất đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo tăng số học sinh trên lớp; tham mưu điều động, bố trí giáo viên một cách hợp lý, phù hợp với quy mô các trường, đảm bảo nhu cầu tối thiểu để các trường thực thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, phối hợp với phòng nội vụ chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Nậm Nhùn tuyển dụng giáo viên. Cụ thể, cuối 8/2024 vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Nhùn đã tuyển dụng bổ sung 17 giáo viên mầm non, 2 giáo viên tiểu học, 17 giáo viên trung học cơ sở và một số giáo viên hợp đồng còn thiếu cho các trường.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thượng Giáo cho rằng, việc luân chuyển, điều động giáo viên cũng mang lại nhiều mặt tích cực. Bên cạnh việc giúp giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương, quá trình luân chuyển, điều động cũng giúp giáo viên có cơ hội trải nghiệm, học hỏi và phát triển nghề nghiệp tại những môi trường mới. Đối với những giáo viên sẵn sàng chấp nhận thử thách, việc luân chuyển, điều động có thể mang lại những cơ hội mới, đặc biệt là trong việc thăng tiến hoặc mở rộng khả năng giảng dạy của mình.
Hiện nay, việc điều động, luân chuyển giáo viên đã có những quy định khá rõ ràng về phạm vi và thẩm quyền. Trong đó, khi điều động giáo viên giữa các trường trong cùng một huyện sẽ thuộc thẩm quyền của huyện, còn khi luân chuyển giáo viên từ thị xã đến các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ do tỉnh quyết định. Từ đó giúp phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cấp quản lý, tránh tình trạng chồng chéo hay bất đồng trong việc ra quyết định.
“Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, các cơ quan quản lý cần có những kế hoạch chi tiết và linh hoạt, đồng thời cần có sự lắng nghe, thấu hiểu từ phía giáo viên để đảm bảo quyền lợi cho họ. Luân chuyển giáo viên không chỉ là giải pháp ngắn hạn cho việc điều chỉnh nhân sự, mà còn là cách để tạo động lực, phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên trong dài hạn”, thầy Hiếu bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cho biết, huyện Than Uyên đang trong quá trình xây dựng các quy chế mới nhằm tổ chức lại việc điều động, luân chuyển giáo viên giữa các vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Quy chế này sẽ tạo điều kiện để các giáo viên đã làm việc lâu dài ở những nơi thuận lợi có cơ hội luân chuyển đến các địa phương khó khăn, giúp cân đối lại nguồn nhân lực. Đồng thời, những giáo viên có thành tích tốt trong công tác giảng dạy tại các vùng khó khăn sẽ được xem xét điều chuyển về các trường học tại địa phương thuận lợi hơn như một hình thức động viên, khuyến khích. Tuy nhiên, hiện quy chế này vẫn đang trong quá trình thảo luận và chưa có hiệu lực, nên việc luân chuyển giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế.
Huyện Than Uyên đang trong quá trình xây dựng các quy chế mới nhằm tổ chức lại việc điều động, luân chuyển giáo viên giữa các vùng thuận lợi và vùng khó khăn. (Ảnh minh họa: Website Trường Tiểu học xã Mường Cang, huyện Than Uyên)
Bên cạnh đó, động lực làm việc của giáo viên ở các vùng khó khăn cũng cần được chú trọng nhiều hơn. Việc chỉ dựa vào các chính sách hỗ trợ tài chính như phụ cấp chưa đủ để tạo động lực lâu dài cho giáo viên. Các địa phương cần tìm cách tăng cường các hình thức hỗ trợ khác, chẳng hạn như tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội phát triển chuyên môn, thăng tiến trong sự nghiệp hoặc hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống gia đình của họ.
Vấn đề gia đình và cuộc sống cá nhân của giáo viên cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến tâm lý và động lực của họ khi được điều chuyển. Đặc biệt là đối với những giáo viên đã công tác lâu năm tại các vùng khó khăn, việc phải xa nhà trong thời gian dài không chỉ gây ra áp lực tinh thần mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân của họ. Do đó, việc luân chuyển giáo viên cần được thực hiện theo kế hoạch rõ ràng và có sự hỗ trợ từ phía nhà nước và chính quyền địa phương.
“Việc điều động luân chuyển giáo viên là một chính sách quan trọng nhằm đảm bảo cân đối nguồn nhân lực giáo dục giữa các vùng miền, đặc biệt là những vùng có điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự hiệu quả, cần giải quyết vấn đề lo ngại về cuộc sống cá nhân của giáo viên khi phải xa nhà và tăng cường các chính sách hỗ trợ toàn diện hơn để động viên giáo viên. Việc xây dựng các quy chế luân chuyển chặt chẽ và có kế hoạch rõ ràng sẽ giúp cải thiện tình hình trong tương lai, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội phát triển và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu bày tỏ.
Thu Thủy
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/luan-chuyen-giao-vien-kho-thuc-hien-nguoi-trong-cuoc-chia-se-ly-do-post246358.gd