Luật Đất đai có hiệu lực sớm, TPHCM giải ngân bị chậm

Luật Đất đai có hiệu lực sớm, TPHCM giải ngân bị chậm
2 giờ trướcBài gốc
Quy định thay đổi, dự án tăng vốn ngàn tỷ
Ngày 16-10, UBND TPHCM có báo cáo tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Báo cáo này nhằm phục vụ Tổ Công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Sự thay đổi quy định của Luật Đất đai khiến cho nhiều dự án tại TPHCM phải điều chỉnh tăng vốn, có dự án tăng hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo đó, tính đến hết ngày 11-10, TPHCM giải ngân gần 16.800 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21,2%, chưa đạt kế hoạch đề ra. TPHCM nêu một số nguyên nhân chính khiến việc giải ngân trong 9 tháng đầu năm bị chậm.
Trong đó, việc thay đổi thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai 2024 từ ngày 1-1-2025 thành 1-8-2024 đã có tác động trực tiếp đến công tác giải ngân của TPHCM. Cụ thể, năm 2024, tổng vốn sử dụng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của Thành phố khoảng 33.000 tỷ đồng (chiếm 38% tổng vốn đầu tư công TPHCM).
Theo kế hoạch từ đầu năm, Thành phố dự kiến hoàn tất thủ tục và giải ngân kế hoạch vốn trong quý III năm 2024. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai 2024 chuyển thời điểm có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 thành 1-8-2024 thì phần lớn số vốn bố trí năm 2024 đã không thể giải ngân theo tiến độ và các dự án phải điều chỉnh lại đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng để đảm bảo tránh khiếu kiện, khiếu nại và tuân thủ theo quy định của Luật Đất đai mới. Hệ quả là tới nay, Thành phố mới chỉ giải ngân được số vốn 3.000 tỷ đồng trên tổng số 33.000 tỷ đồng phải giải ngân.
Bên cạnh đó một số dự án khi tính toán lại chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định mới đã làm tăng tổng mức đầu tư, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và phải thực hiện điều chỉnh dự án xong mới đủ điều kiện giải ngân chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trong đó, 2 dự án bị ảnh hưởng rất lớn từ việc tăng tổng mức đầu tư do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng do phải xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Đó là Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp tăng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng. Trong khi Dự án Bờ Bắc kênh đôi quận 8 tăng vốn gần 2.500 tỷ đồng.
Hiện Thành phố vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các thủ tục để có thể giải ngân cho cả 02 dự án này vào cuối năm với số vốn là hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 23% tổng số vốn phải giải ngân cả năm của Thành phố). Như vậy, nếu như không có sự thay đổi về cơ chế, chính sách nêu trên thì có khả năng số vốn chi cho bồi thường, giải phóng mặt bằng này đã có thể giải ngân trong quý III năm 2024.
Thi công tại dự án mở rộng Quốc lộ 50. Hiện dự án này cũng đang vướng mắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ. Ảnh: MAI HOA
Chuyển vốn từ dự án chống ngập sang các dự án khác
Một số nguyên nhân khác khiến giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM bị chậm, theo UBND TPHCM là trên 49% số vốn đầu tư công trung hạn 2021-205 của TPHCM mới đủ cơ sở triển khai từ tháng 9-2023, thay vì được triển khai ngay đầu kỳ như các địa phương khác. Điều này dẫn tới việc chuẩn bị đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn vốn này bị chậm hơn so với các dự án sử dụng nguồn vốn được giao từ đầu kỳ trung hạn.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, Thành phố dự kiến thực hiện và giải ngân vốn một số dự án có thực hiện thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương (số vốn dự kiến giải ngân 4 tháng cuối năm 2024 là 10.517 tỷ đồng, tỷ lệ 13,3% tổng vốn).
Trong đó, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với kế hoạch giải ngân là 6.800 tỷ đồng. TPHCM đã nỗ lực báo cáo bộ ngành trung ương phương án xử lý dự án này để thúc đẩy giải ngân, nhưng chưa được giải quyết.
Qua đánh giá tình hình thực tế, TPHCM đã xác định không còn khả năng tháo gỡ để giải ngân số vốn trên trong năm 2024 và đã buộc phải báo cáo HĐND TPHCM điều chỉnh giảm vốn trung hạn và năm 2024 của dự án này để bố trí cho các dự án khác (và sẽ cân đối bố trí lại cho dự án sau khi vướng mắc được tháo gỡ) nhằm thúc đẩy giải ngân số vốn này. Tuy nhiên, số vốn gặp vướng mắc quá lớn, các dự án được bố trí vốn từ nguồn vốn này mới ở bước chuẩn bị đầu tư nên cũng chưa thể giải ngân vốn trong năm 2024.
Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án, Thành phố có một số dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/2.000. Số vốn dự kiến giải ngân 4 tháng cuối năm cho các dự án này là 4.008 tỷ đồng, tỷ lệ 5,05% tổng vốn, gồm 57 dự án hiện đang chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Dự kiến các dự án chỉ giải ngân được chi phí chuẩn bị đầu tư và khó có khả năng khởi công dự án và kịp giải ngân trong năm 2024.
TPHCM đặt mục tiêu giải ngân năm 2024
- Tháng 10 từ 38,4% trở lên.
- Tháng 11 từ 45,1% trở lên.
- Tháng 12 từ 85,9% trở lên.
.- Đến hết 31-1-2025 từ 94,6% trở lên.
MAI HOA
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/luat-dat-dai-co-hieu-luc-som-tphcm-giai-ngan-bi-cham-post763927.html