Luật đầu tiên khơi thông tiềm năng khoa học công nghệ cho khu vực kinh tế tư nhân

Luật đầu tiên khơi thông tiềm năng khoa học công nghệ cho khu vực kinh tế tư nhân
4 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, chiều 6/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mở ra cơ hội thu hút nghiên cứu sinh
Tham gia thảo luận tại tổ 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam góp ý vào điều 51, 52, liên quan đến ưu đãi cho cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ với các nội dung như: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, phát triển công nghệ, ưu tiên bổ nhiệm, tuyển dụng, xếp vị trí việc làm, thu nhập, thuế thu nhập cá nhân, lao động, nhà ở, xuất nhập cảnh, cư trú, giấy phép lao động, và cấp học bổng cho nghiên cứu viên sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phát biểu thảo luận - Ảnh: Khánh Duy
Theo đại biểu, đây là điểm mới, mở ra cơ hội thu hút nghiên cứu sinh, đặc biệt khi trước đây thiếu học bổng khiến nhiều sinh viên sau tốt nghiệp phải làm việc khác. Tuy nhiên, cần viết lại rõ ràng hơn và rà soát để áp dụng cho các trường đại học tự chủ, tránh xung đột với quy định tài chính.
Từ thực tiễn, đại biểu chỉ ra rằng, nhiều cán bộ được cử đi đào tạo nước ngoài, học được công nghệ, quy trình tiên tiến, nhưng khi về nước, việc sử dụng kiến thức của họ chưa được quan tâm. Sau đào tạo, họ rất muốn áp dụng vào thực tiễn trong nước, nhưng do thiếu kinh nghiệm và thủ tục xin đề tài nghiên cứu phức tạp, họ khó nhận kinh phí, dẫn đến loay hoay và bỏ lỡ kiến thức. Đại biểu đề nghị bổ sung khoản kinh phí ưu tiên cho những người được đào tạo nước ngoài, giúp họ áp dụng công nghệ vào thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ trong giai đoạn tới.
Đại biểu Lê Quân phân tích, hiện nay, nguy cơ chiến tranh thương mại cho thấy bản chất là sự chuyển dịch sản xuất sang các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ có giá trị gia tăng cao, dựa vào đổi mới sáng tạo. Nếu không dựa vào đổi mới sáng tạo, sau một chu kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh, chúng ta dễ đối mặt với nguy cơ bong bóng thị trường bất động sản, mất cân đối thị trường lao động và tài chính.
"Trong 5-15 năm tới, lợi thế lao động giá rẻ của chúng ta sẽ mất đi khi các quốc gia phát triển tập trung vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao, trong khi chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào lao động giá trị thấp" - đại biểu Lê Quân chỉ rõ.
Từ thực tiễn đó, đại biểu cho rằng Dự thảo Luật này đặc biệt quan trọng, là luật đầu tiên giúp khơi thông tiềm năng, đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân và sự hợp tác công - tư.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Ảnh: Khánh Duy
Xây dựng chương trình quốc gia về khoa học xã hội và nhân văn
Đại biểu Quốc hội Lê Quân cũng đánh giá việc Dự thảo Luật bổ sung nội dung về khoa học cơ bản, bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, nhấn mạnh đầu tư cho lĩnh vực này là điểm tiến bộ. Theo đại biểu, khoa học cơ bản, đặc biệt khoa học xã hội, nhân văn là nền tảng bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, tạo sức mạnh cho quốc gia. Tuy nhiên, khoa học xã hội, nhân văn khác với các lĩnh vực khác, cần chủ trương rõ ràng rằng Nhà nước đảm bảo kinh phí nghiên cứu.
"Tôi đề nghị Dự thảo Luật mạnh dạn khẳng định ưu tiên đầu tư và đảm bảo kinh phí cơ bản cho nghiên cứu khoa học cơ bản, vì đây là nền tảng cho các phát triển khác" - đại biểu Lê Quân đề xuất.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) đánh giá cao Dự thảo Luật khi đưa vào nội dung khoa học xã hội và nhân văn, xác định đây là bộ phận đồng hành trong hệ thống khoa học, công nghệ quốc gia, đóng vai trò cung cấp luận cứ xây dựng văn hóa con người Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Lê Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu thảo luận - Ảnh: Khánh Duy
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, so với tầm vóc và nhiệm vụ của khoa học xã hội, nhân văn, quy định trong Dự thảo Luật còn chung chung, chưa đủ mạnh mẽ và cụ thể. Các quy định về tài trợ, lĩnh vực ưu tiên, cơ chế hỗ trợ chưa tạo được động lực để khoa học xã hội, nhân văn bứt phá, đóng góp cho đổi mới và phát triển đất nước.
Từ thực tế đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề xuất, để thể hiện sự coi trọng với lĩnh vực này, cần quy định xây dựng chương trình quốc gia về khoa học xã hội và nhân văn, tương tự chương trình trọng điểm về khoa học tự nhiên, công nghệ, để triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, tại khoản 3, điều 29, ngoài bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên trong kỷ nguyên mới, như: nghiên cứu xã hội số, tác động của chuyển đổi số, khoa học dữ liệu xã hội, trí tuệ nhân tạo và đạo đức, xã hội học môi trường, kinh tế học hành vi, an ninh phi truyền thống. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên, kỹ thuật và xã hội, nhân văn; yêu cầu các dự án đổi mới sáng tạo có sự tham gia của nhà khoa học xã hội, nhân văn, bảo đảm tiến bộ công nghệ mang tính nhân văn, lấy con người làm trung tâm.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận
Đối với quy định chấp nhận rủi ro trong nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ lo ngại: Sản phẩm khoa học công nghệ là sản phẩm tri thức, không nhìn thấy được, vậy việc đánh giá về sản phẩm sẽ được thực hiện như thế nào?
“Có thể xảy ra tình trạng lạm dụng: Nhận kinh phí về nghiên cứu, sau đó công bố không đạt được kết quả và không phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, trong nghiên cứu khoa học, có thể không đạt được mục tiêu đề ra nhưng bao giờ cũng có kết quả để chứng minh vì sao không đạt được mục tiêu” - đại biểu nói và cho rằng, dự thảo Luật cần có cơ chế đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.
Các đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo cần tăng cường quy định về cơ chế tài chính linh hoạt, đặc biệt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong đó bao gồm quỹ đầu tư mạo hiểm, miễn giảm thuế, giảm rào cản hành chính khi thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Nên thiết lập chính sách ưu đãi rõ ràng, như miễn thuế thu nhập cá nhân cho nhà khoa học, hỗ trợ tài chính cho trường đại học và viện nghiên cứu, khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu...
Thịnh An
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/luat-dau-tien-khoi-thong-tiem-nang-khoa-hoc-cong-nghe-cho-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan.695656.html