Luật Điện lực (sửa đổi): Động lực phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới

Luật Điện lực (sửa đổi): Động lực phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới
4 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mới và điện gió ngoài khơi, đang trở thành chiến lược ưu tiên của đất nước. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này thông qua nghiên cứu kỹ tình hình thực tế cùng các biện pháp chuyên môn đã đề xuất các chính sách mới để tạo điều kiện phát triển bền vững cho các nguồn điện thân thiện với môi trường này.
Định nghĩa về năng lượng tái tạo, năng lượng mới và điện gió ngoài khơi
Theo ông Đỗ Đức Chiến, chuyên viên chính Phòng Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Nghị quyết số 55-NQ/TW, ban hành ngày 11/02/2020 bởi Bộ Chính trị, đã đưa ra chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh việc tạo ra các cơ chế và chính sách đột phá để thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, nghị quyết này cũng kêu gọi cơ chế cho phép xây dựng nhà máy điện tự cung, tự cấp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW từ Hội nghị Trung ương 8 khóa XII (2018) đã đặt ra các định hướng cho phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó, có phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã bổ sung các điều khoản để xác định rõ ràng hơn về các khái niệm như "điện năng lượng mới", "điện năng lượng tái tạo" và "điện tự sản xuất, tự tiêu thụ". Ảnh: EVN
Theo ông Chiến, trong Luật Đầu tư, năng lượng mới và năng lượng tái tạo đã được xác định là ngành nghề ưu đãi đầu tư, tuy nhiên, luật này vẫn chưa cụ thể hóa các đối tượng trong lĩnh vực này. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả định nghĩa tài nguyên năng lượng tái tạo bao gồm sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt và nhiên liệu sinh học.
Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi, bổ sung) quy định việc ưu đãi cho các dự án phát điện từ năng lượng mới và tái tạo. Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, được xác lập bởi Quốc hội vào năm 2023, đã đưa ra các định hướng phát triển năng lượng tái tạo và liên kết vùng.
Tuy nhiên, các khái niệm cụ thể về nguồn điện năng lượng tái tạo và mới trong lĩnh vực điện lực vẫn chưa được luật hóa rõ ràng. Để lấp đầy khoảng trống này, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa vào các quy định về “Điện năng lượng mới” và “Điện năng lượng tái tạo” tại Điều 4. Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ điện tự cung, tự tiêu, dự thảo cũng bổ sung quy định về “Điện tự sản xuất, tự tiêu thụ” tại Điều 4.
Nghị quyết 55-NQ/TW cũng đặt mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi, gắn liền với Chiến lược biển Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm này chưa được luật hóa rõ ràng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP, điện gió ngoài khơi là ngành nghề có điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư quốc tế. Để đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật về đầu tư và thực thi Nghị quyết 55-NQ/TW, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã định nghĩa rõ ràng: "Nhà máy điện gió ngoài khơi là cơ sở có toàn bộ tuabin điện gió xây dựng ngoài vùng biển 06 hải lý của đất liền" (Điều 39).
Định hướng và chính sách phát triển năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi
Theo ông Đỗ Đức Chiến, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được bổ sung quy định mới tại Chương III nhằm thúc đẩy phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới. Đây là bước tiến nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 55-NQ/TW, bao gồm các cơ chế đột phá để khuyến khích nguồn năng lượng sạch thay thế năng lượng hóa thạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 292/TB-VPCP (2023). Dự thảo này cũng hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Điều 5 trong dự thảo Luật xác định các chính sách chung cho phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới, đặt nền tảng pháp lý cho loại hình điện này, thay thế các quy định hiện hành vốn chỉ tồn tại dưới dạng quyết định và thông tư của Chính phủ.
Dự thảo bổ sung 16 điều trong Chương III, chia thành hai mục với các quy định chi tiết về điện gió ngoài khơi tại mục 2 (từ Điều 38 đến Điều 46). Các quy định này nhấn mạnh phát triển điện năng lượng tái tạo trên biển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy sản xuất điện trong nước. Điều 31 của dự thảo cũng nêu rõ định hướng phát triển điện năng lượng tái tạo gắn với quốc phòng và an ninh theo Nghị quyết 36-NQ/TW.
Nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tái tạo, Điều 35 bổ sung các quy định về bảo dưỡng và thay thế thiết bị, tránh bất cập khi vận hành. Điều 36 cũng quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tháo dỡ công trình khi dự án hết thời hạn, nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ môi trường.
Dự thảo bổ sung Mục 2 riêng về điện gió ngoài khơi, bao gồm các chính sách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu đầu tư lớn của loại hình này. Các quy định đặc thù về đầu tư dài hạn trong lĩnh vực này nêu tại Điều 40 cho phép nhà đầu tư thực hiện một số hoạt động ngoài thời kỳ quy hoạch. Điều 44 quy định kiểm tra nghiệm thu cho các công trình trên biển, trong khi Điều 45 chỉ cho phép chuyển nhượng dự án điện gió ngoài khơi sau khi vận hành để tránh tình trạng chuyển nhượng khi chưa hoàn tất, gây rủi ro về tiến độ và an ninh năng lượng.
Đề xuất với các luật khác hiện hành
Ông Đỗ Đức Chiến, không chỉ bổ sung các điều khoản liên quan đến phát triển điện tái tạo mà cơ quan chức năng cũng cần xem xét sửa đổi một số quy định trong các luật khác để đồng bộ hệ thống pháp lý, gồm Luật Đầu tư; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Xây dựng.
Với Luật Đầu tư 2020, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc về Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền đối với các dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt là các công trình ngoài 6 hải lý. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 128 để quy định rõ thẩm quyền của Thủ tướng trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án cáp điện ngầm dưới biển xuyên biên giới, ngoại trừ các dự án thuộc khoản 1 Điều 56 của Luật Đầu tư.
Hiện, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo chưa xác định rõ tài nguyên gió và mặt trời trên biển thuộc nhóm “tài nguyên biển và hải đảo”. Để khắc phục, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đề xuất bổ sung cụm từ “tài nguyên thiên nhiên trên mặt biển” vào khoản 1 Điều 3 của Luật này nhằm mở rộng phạm vi tài nguyên.
Điều 103 Luật Xây dựng quy định thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng thuộc về UBND cấp tỉnh hoặc huyện. Tuy nhiên, phạm vi quản lý của UBND tỉnh chỉ giới hạn trong 6 hải lý từ đất liền, dẫn đến khó khăn trong cấp phép xây dựng cho các dự án điện gió ngoài khơi. Dự thảo Luật Điện lực đề xuất miễn cấp phép xây dựng đối với các công trình trên biển thuộc dự án điện gió ngoài khơi và đã bổ sung quy định này vào điểm h, sau điểm k, khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng.
Luật Biển Việt Nam hiện quy định về "Quy hoạch phát triển kinh tế biển" nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc phê duyệt và thực hiện quy hoạch này. Do đó, dự thảo Luật bổ sung khoản 9 Điều 130, cho phép các dự án điện gió ngoài khơi thực hiện theo quy hoạch phát triển điện lực hiện hành, đảm bảo cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai dự án trong khi chờ phê duyệt quy hoạch kinh tế biển.
Có thể thấy, những thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là bước tiến mạnh mẽ trong việc tạo động lực phát triển các nguồn năng lượng sạch và bền vững tại Việt Nam. Với các cơ chế ưu đãi đầu tư và những cải cách pháp lý rõ ràng, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiến tới đạt được các mục tiêu về giảm phát thải và bảo vệ môi trường trong tương lai.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước...
Thế Duy
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/luat-dien-luc-sua-doi-dong-luc-phat-trien-nang-luong-tai-tao-va-nang-luong-moi-354969.html