Luật Dược (sửa đổi) được kỳ vọng giúp ngành dược phẩm phát triển bền vững (Ảnh: Đức Thanh)
Tiếp cận thuốc chất lượng với giá tốt
Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với nhiều chính sách đột phá, từ chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, đến việc hỗ trợ phát triển chuỗi nhà thuốc và kinh doanh dược trực tuyến. Đây là cơ hội để ngành dược phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cộng đồng.
Luật tập trung vào việc cải thiện chính sách của Nhà nước về dược, với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành một ngành công nghiệp mũi nhọn. Các quy định bổ sung bao gồm việc ưu đãi thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu thuốc, khuyến khích đầu tư nghiên cứu sản xuất thuốc và nguyên liệu.
Đặc biệt, chuyển đổi số và áp dụng ưu đãi cho các dự án trong lĩnh vực dược được nhấn mạnh. Luật cũng tạo hành lang pháp lý cho các hình thức kinh doanh hiện đại như chuỗi nhà thuốc và thương mại điện tử trong ngành dược phẩm. Các quy định chi tiết về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh, từ việc luân chuyển thuốc, nhân sự giữa các nhà thuốc trong chuỗi, đến kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử, giúp đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với xu thế.
Luật Dược (sửa đổi) sẽ giải quyết nguy cơ đứt nguồn cung thuốc, cải thiện mạnh mẽ môi trường hoạt động của ngành trong trung và dài hạn.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, Luật Dược (sửa đổi) còn mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, cho phép cung cấp trực tiếp cho các cơ sở y tế đặc thù và cơ sở khám chữa bệnh nhằm phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt.
Luật cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký lưu hành thuốc, giảm thiểu cấp số trùng lặp và có quy định đặc thù để đáp ứng kịp thời trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh.
Một điểm quan trọng là việc quản lý giá thuốc theo hướng công bố giá bán buôn, giúp kiểm soát chặt chẽ các tầng nấc trung gian, mang lại giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Những điểm mới này không chỉ giải quyết bất cập trong quản lý ngành dược, mà còn tạo cơ hội để ngành dược Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thuốc chất lượng, an toàn và hiệu quả với giá cả hợp lý cho cộng đồng.
“Luật Dược (sửa đổi) đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho người bệnh, giúp họ dễ dàng tiếp cận thuốc chất lượng với giá cả hợp lý và an tâm hơn khi sử dụng”, ông Cường nêu.
Các chuyên gia đánh giá, Luật Dược (sửa đổi) sẽ giúp giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý dược, tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn, giúp doanh nghiệp yên tâm và vững tin hoạt động.
Cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng tin tưởng, Luật Dược (sửa đổi) sẽ giải quyết nguy cơ đứt nguồn cung thuốc, cải thiện mạnh mẽ môi trường hoạt động của ngành trong trung và dài hạn, thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Bà Nguyễn Đỗ Quyên, Phó tổng giám đốc FPT Retail chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá đây là lần sửa đổi tích cực, kịp thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn. Từ đó giúp các doanh nghiệp chuyên tâm trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, chung tay vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Cơ hội cho thương mại điện tử
Việc luật hóa hoạt động bán thuốc online trong Luật Dược (sửa đổi) là phù hợp với xu thế thị trường, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực. Theo đó, người dân được hưởng nhiều tiện ích trong việc mua thuốc hay các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Đồng thời, việc luật hóa hoạt động mua bán thuốc online cũng giúp công tác cung ứng và quản lý việc mua bán, sử dụng thuốc minh bạch, hiệu quả, tiến tới định danh trên từng giao dịch, đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả điều trị người bệnh, giảm tải cho hệ thống bệnh viện, đúng xu thế phát triển của khu vực và thế giới về chuyển đổi số.
“Lần đầu tiên, hoạt động của mô hình chuỗi nhà thuốc được chính thức luật hóa một cách chi tiết. Việc này đối với doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định sự công nhận của Quốc hội và các cơ quan quản lý đối với vai trò của chuỗi nhà thuốc trong hoạt động cung ứng thuốc đến người tiêu dùng”, bà Quyên nêu.
Dù vui mừng vì hoạt động bán thuốc online đã có hành lang pháp lý, song theo lãnh đạo của FPT Retail, doanh nghiệp kỳ vọng trong thời gian tới, khi xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn, Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp nhận các ý kiến đa chiều, đồng thời tham khảo mô hình quản lý việc bán thuốc online của các nước có đặc điểm tương đồng Việt Nam để ban hành các hướng dẫn chi tiết và phù hợp với nền kinh tế số.
Còn theo ông Vũ Thái Hà, Giám đốc vận hành eDoctor, nhu cầu mua thuốc online rất lớn và còn tiếp tục tăng. Việc không quy định rõ ràng sẽ dễ dẫn đến rủi ro cho người tiêu dùng. Cần có các quy định cụ thể để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong kinh doanh dược phẩm trực tuyến.
Dù thương mại điện tử là xu thế tất yếu, nhưng một số ý kiến cho rằng, cần có sự phân biệt giữa bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động bán thuốc tự phát qua livestream trên mạng xã hội. Việc thiếu các quy định chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng bán thuốc “chui”, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng thuốc.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương) cũng cho rằng, nhiều chuỗi nhà thuốc lớn đã triển khai bán thuốc trực tuyến, song vẫn tồn tại những rủi ro về chất lượng thuốc khi người tiêu dùng mua từ các nguồn không rõ ràng. Vì vậy, cần có công cụ pháp lý để phân biệt và quản lý hiệu quả giữa các nhà cung cấp uy tín và các cá nhân bán hàng tự phát trên mạng xã hội.
Dương Ngân