Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Luật Nhà giáo phải khắc phục được những tồn tại, vướng mắc
Thảo luận tại tổ - kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (ngày 9/11), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho ý kiến, xây dựng Luật Nhà giáo cũng cần hướng đến đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, kiến tạo môi trường làm việc tích cực, linh hoạt, sáng tạo và chuyên nghiệp cao.
Nghị quyết 29-NQ/TW nêu rõ, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, để phát huy năng lực người học thì người thầy, nhà giáo phải sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học.
Cùng với đó, Luật Nhà giáo được ban hành phải khắc phục được những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là vấn đề vừa thừa, vừa thiếu cục bộ giáo viên, thu hút được nhân tài làm nghề dạy học; đồng thời phải đảm bảo tính tương thích, đồng bộ với các quy định của hệ thống pháp luật và có tính khả thi.
Quan tâm về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) nêu ý kiến, Điều 7 dự thảo Luật đã mô tả khá đầy đủ các hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo ở các bậc học khác nhau từ mầm non đến đại học.
Tuy nhiên, khi xét về tầm nhìn lâu dài, cần tính đến sự thay đổi của thời đại, đặc biệt là xu hướng số hóa và toàn cầu hóa trong giáo dục cũng như những đòi hỏi mới về các kỹ năng của thế kỷ 21.
Do đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng kiến nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo khả năng ứng dụng công nghệ số hiện đại trong giảng dạy như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), học tập trực tuyến để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên.
Quan tâm bổ sung chính sách bồi dưỡng
Liên quan tới chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo quy định, Điều 30 dự thảo Luật quy định đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
Từ thực tiễn và qua ý kiến cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) phản ánh về nguyện vọng được nghỉ hưu trước đối với nhà giáo công tác tại các trường tiểu học và các trường đào tạo chuyên biệt, trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, trường đào tạo nghệ thuật.
Đại biểu tỉnh Bắc Kạn đề nghị quan tâm bổ sung chính sách bồi dưỡng chính trị, kỹ năng xã hội, nắm bắt, tư vấn tâm lý học sinh... cho nhà giáo và bổ sung đối tượng nhà giáo ở các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trong nước cũng được hưởng chính sách này.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.
Nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo, các ĐBQH khẳng định, việc ban hành Luật là thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục "Thực sự coi phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu".
Trong đó vai trò quan trọng, quyết định của đội ngũ nhà giáo là "yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người"; hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, trong đó có pháp luật về nhà giáo; phát triển đội ngũ nhà giáo trên cơ sở tôn trọng đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo; kiến tạo môi trường hoạt động nghề nghiệp mới cho nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến các địa phương; dự thảo Luật đã thể chế hóa tương đối đầy đủ các quan điểm của Đảng về lĩnh vực giáo dục, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đó là giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhà giáo đóng vai trò quan trọng và là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục.
Minh Phong