Luật Nhà giáo: Đường băng mới cho giáo dục Việt Nam cất cánh

Luật Nhà giáo: Đường băng mới cho giáo dục Việt Nam cất cánh
5 giờ trướcBài gốc
Cần có Luật riêng
Thống kê năm 2023 cả nước có 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên và khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong khối giáo dục công lập và ngoài công lập. Trong 48.055 đơn vị sự nghiệp công lập trên cả nước, riêng lĩnh vực giáo dục chiếm đến 80%, biên chế của ngành giáo dục chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước.
Dù nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất với tính chất nghề nghiệp đặc thù, nhưng hiện nay không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức năm 2010 và rất nhiều văn bản liên quan… Điều đáng nói là những văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như tất cả viên chức ở tất cả lĩnh vực nghề nghiệp khác. Thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau, do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ và thống nhất.
Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, hiện nay hầu hết nhà giáo thuộc các trường công lập nên họ cũng là viên chức, chịu sự quản lý theo Luật Viên chức. “Với lực lượng hàng triệu người, với lao động mang tính đặc thù và giá trị nghề nghiệp được đo đếm bằng chất lượng con người phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước, một dự án Luật riêng cho nhà giáo để thể chế với mục tiêu quan trọng nhất là giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay” - ông Đức nói và nhấn mạnh, Luật Nhà giáo cần có đủ yếu tố mới, không phải chỉ quản lý nhà giáo mà là phát triển nhà giáo - 1 trong 3 mục tiêu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Cụ thể, hiện nay việc quản lý nhà nước về nhà giáo theo định hướng quản lý nhân sự - tức là quản lý các yếu tố hành chính liên quan đến việc sử dụng nhà giáo mà ít quan tâm đến tiềm lực và sự phát triển của nhà giáo, đây không phải là một phương thức phù hợp mà cần phải chuyển từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, để tạo môi trường, điều kiện cho mỗi nhà giáo được phát triển nhiều nhất, có động lực làm việc lớn nhất, đóng góp nhiều nhất nhằm đạt cùng mục tiêu của chính nhà giáo và mục tiêu giáo dục.
Nội dung Dự án Luật Nhà giáo với 8 chương, 67 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng được cho đã tập trung vào xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.
Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao. Như vậy, với nội dung này, Dự án Luật Nhà giáo sẽ giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Nhìn nhận về việc xây dựng Dự án Luật này, nhiều ý kiến cho hay, thực tế hiện nay hệ thống pháp luật về nhà giáo ở nước ta cũng tương đối nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, cũng chính bởi các quy định về nhà giáo được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức...), dẫn đến tính đồng bộ chưa cao, chưa thực sự đảm bảo phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo và còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về nhà giáo cũng chưa được thể chế đầy đủ và kịp thời. Các quy định về nhà giáo hiện nay chủ yếu được quy định ở các văn bản dưới luật nên không thể giải quyết thấu đáo được nhiều vấn đề liên quan đến nhà giáo, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi và lợi ích của các nhà giáo đang công tác trong ngành giáo dục của nước ta. Chưa kể các nội dung này được quy định tản mác, do nhiều cơ quan khác nhau ban hành vào những thời điểm khác nhau nhằm mục đích khác nhau nên còn gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục và các nhà giáo.
Do vậy, việc xây dựng một Dự án Luật riêng về nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của pháp luật về nhà giáo hiện hành, góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, tạo động lực để các nhà giáo cống hiến và đóng góp cho ngành giáo dục của đất nước.
Giao quyền tuyển dụng có thể hạn chế tình trạng vừa thừa, vừa thiếu
Không chỉ có vậy, Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng cũng đem đến kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Quy định về tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của dự thảo Luật Nhà giáo. Chia sẻ về điều này, nhiều cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội bày tỏ, nghề giáo có những đặc thù riêng khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác, đòi hỏi yêu cầu nghề nghiệp đáp ứng đặc thù đó. Ngành Giáo dục được sử dụng đội ngũ nhà giáo, chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, về “sản phẩm” đào tạo ra, nhưng từ trước tới nay lại không có thẩm quyền để quyết định được việc tuyển bao nhiêu biên chế. Trong khâu tuyển dụng giáo viên, mặc dù ngành Giáo dục được tham gia nhưng vai trò và thẩm quyền chưa rõ ràng. Trong khi đó, việc vận hành hoạt động dạy học cũng như chất lượng giáo dục ở các nhà trường trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục cần nhiều điều kiện quan trọng như cần đủ số lượng giáo viên, bảo đảm cơ cấu giáo viên theo từng môn học, đủ trường, lớp cho học sinh được học 2 buổi/ngày thuận tiện…
Với quy định về việc giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các nhà trường đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và mong muốn nội dung này sớm đi vào thực tế, góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay. Trên cơ sở phát triển về số lượng học sinh, sự phát triển của mạng lưới trường lớp và định mức giáo viên theo quy định, ngành Giáo dục được quyết định về số lượng biên chế tuyển dụng, đồng thời tiếp tục triển khai việc đặt hàng đào tạo đối với các trường sư phạm. Đây là các giải pháp được kỳ vọng sẽ giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay.
Đồng tình với việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương bày tỏ sự nhất trí cao với quy định về việc đưa thực hành sư phạm là nội dung phải có trong khâu tuyển dụng giáo viên, bao gồm cả tuyển dụng giáo viên trường công lập và trường ngoài công lập. Theo ông Lê Việt Dương, dù phương thức tuyển dụng là xét tuyển hay thi tuyển thì nội dung thực hành sư phạm vẫn cần là yêu cầu bắt buộc, nhằm giúp đơn vị tuyển dụng lựa chọn được đúng người làm nghề dạy học, đồng thời cũng tạo cơ hội để những người có nguyện vọng làm nghề giáo thể hiện năng lực, phát huy sở trường.
Liên quan đến khâu tuyển dụng, các nhà giáo còn mong muốn, để thu hút sinh viên giỏi, ngoài chính sách về tiền lương, cần có thêm các chính sách thu hút sinh viên giỏi, có chế độ đãi ngộ giáo viên, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Dự thảo Luật Nhà giáo đã hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khắc phục các bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo hiện nay, thực hiện phân công, phân cấp hợp lý trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ động của ngành giáo dục. Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Còn theo TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thực tế cho thấy, bên tuyển dụng (Nội vụ) thì không được sử dụng giáo viên, bên sử dụng (Giáo dục) lại không được quyền tuyển dụng dẫn tới tình trạng tuyển nhân sự chưa đủ năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc của ngành Giáo dục.
Đặc biệt, nếu ngành Giáo dục được phép tuyển dụng giáo viên sẽ có tiếng nói với nhân sự, giáo viên chỉ thực hiện công việc chuyên môn mà không phải làm các nhiệm vụ “phi giáo dục” khác.
Nhìn nhận về Dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Thị Mai Hoa cũng bày tỏ, việc giao thẩm quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ giúp ngành chủ động trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý, từ đó nắm tổng thể đội ngũ, dự báo nhu cầu, cân đối hợp lý các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng; điều tiết giáo viên kịp thời, hợp lý. Như vậy, có thể khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra trong thực tiễn thời gian qua; đồng thời góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu.
Tôi cho rằng, nếu được Quốc hội chấp thuận, ủng hộ thì đây sẽ là một trong những chính sách mang tính đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội tại kỳ họp này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bày tỏ.
Khánh An
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/luat-nha-giao-duong-bang-moi-cho-giao-duc-viet-nam-cat-canh-post322158.html