Luật Nhà giáo: Làm gì để hạn chế giáo viên gợi ý học thêm?

Luật Nhà giáo: Làm gì để hạn chế giáo viên gợi ý học thêm?
4 giờ trướcBài gốc
Sáng 6-5, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và thảo luận tại hội trường về dự luật này.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận là quy định về “những việc không được làm” cũng như các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật (điều 11 dự thảo Luật).
Trong đó, nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình)
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng hoạt động dạy thêm cũng xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội, của học sinh và phụ huynh, không thể quy rằng giáo viên ép buộc trong vấn đề học thêm. Bằng chứng là hiện các trung tâm tiếng Anh, các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật… vẫn thu hút đông đảo học sinh học tập.
"Khi có nhu cầu của học sinh, của gia đình thì giáo viên cũng mong muốn, cũng có nhu cầu có thêm thu nhập và họ chọn cách đi làm thêm là dạy thêm. Thu nhập của giáo viên ở đây tôi cho rằng hoàn toàn chính đáng, phù hợp", bà Thu lập luận.
Theo đại biểu, việc giáo viên bỏ thời gian cho gia đình để làm thêm công việc liên quan đến chuyên môn và mang lại lợi ích, tăng thêm thu nhập là không có gì sai. Vấn đề cần quan tâm ở đây là hạn chế các tiêu cực phát sinh từ hoạt động này, như việc lợi dụng là giáo viên đứng lớp để ép buộc học sinh đi học thêm…
"Bản thân tôi không chấp nhận chuyện giáo viên ép buộc để dạy thêm và trục lợi từ dạy thêm, nhưng chúng ta cần có một quy định để tổ chức các hoạt động này một cách chính thống như một loại hình dịch vụ khác và có nề nếp, có quy định", đại biểu nói.
Từ phân tích trên, đại biểu Thu đề nghị dự thảo luật nên quy định “cấm tham gia dạy thêm trái quy định pháp luật”. Bởi hiện nay có nhiều hình thức không ép buộc nhưng vẫn gây áp lực khiến học sinh đăng ký đi học thêm, đặc biệt với học sinh cấp tiểu học. Về việc này, đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng bộ quy chế học thêm, dạy thêm và công khai các quy định để thực hiện.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)
Cùng nội dung, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng thừa nhận thực tế không cần giáo viên ép, học sinh cũng phải đi học thêm. Vì thế, trong luật cần làm rõ hơn việc "ép học sinh" học thêm như thế nào.
Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng rất khó để quy định như thế nào về “gợi ý” học thêm trong luật. Do đó, ông đề nghị cần có bộ quy tắc ứng xử riêng của nhà giáo để giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng dạy học ngoài chương trình chính khóa là một nội dung nhận được nhiều phản hồi khi xin ý kiến tại địa phương. Theo bà, có ý kiến cho rằng nếu quy định rõ ràng nội dung này sẽ giúp phân biệt được dạy chính khóa và dạy thêm, đồng thời tăng tính minh bạch, quản lý chặt chẽ gắn trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình).
Tuy nhiên, nội dung này đã được điều chỉnh riêng tại Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Do đó, nếu đưa vào trong Luật Nhà giáo sẽ chồng chéo hoặc mâu thuẫn với văn bản hiện hành.
Hơn thế nữa, đại biểu cho rằng dạy thêm không phải là hoạt động bắt buộc, mang tính phổ quát, nên nếu đưa vào dự thảo luật có thể làm lệch định hướng phát triển nghề nghiệp giáo viên theo hướng chuẩn mực sư phạm.
Theo đó, đại biểu đề nghị luật quy định các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa, bao gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ theo đúng quy định của pháp luật, cũng được coi là một phần của hoạt động nghề nghiệp khi đảm bảo đúng mục đích giáo dục, không vụ lợi và tuân thủ quy định quản lý dạy thêm, học thêm hiện hành.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/luat-nha-giao-lam-gi-de-han-che-giao-vien-goi-y-hoc-them-post848154.html