Bà Đặng Bích Ngọc – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.
Làm rõ về hoạt động dạy học
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, khi thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, bà Đặng Bích Ngọc – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình góp ý:
Thứ nhất, về hoạt động dạy học, ngoài chương trình chính khóa, nội dung này nếu quy định trong Điều 7 sẽ giúp phân biệt được dạy chính khóa và dạy thêm; đồng thời tăng tính minh bạch, quản lý chặt chẽ gắn với trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm.
Để không hợp pháp hóa việc dạy thêm tràn lan, đồng thời ghi nhận thực tế nghề nghiệp giữ được tính pháp lý, định hướng của đạo đức giáo dục, bà Đặng Bích Ngọc đề nghị, bổ sung thêm điểm e khoản 2 Điều 7, dự thảo Luật Nhà giáo như sau:
Các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa bao gồm: bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ đúng quy định của pháp luật được coi là một phần của hoạt động nghề nghiệp khi đảm bảo đúng mục đích giáo dục, không vụ lợi và tuân thủ các quy định quản lý về dạy thêm, học thêm hiện hành.
Thứ hai, về việc bổ sung quyền của nhà giáo tham gia quản lý doanh nghiệp khoa học, công nghệ và điều khoản chuyển tiếp tại Điều 8. Theo đại biểu đoàn Hòa Bình, việc cho phép nhà giáo tham gia quản lý doanh nghiệp khoa học, công nghệ tại khoản 2 Điều 8 giúp thúc đẩy chuyển giao tri thức từ trường đại học đến thực tiễn, phù hợp với xu hướng giáo dục, gắn liền với nghiên cứu, ứng dụng.
Bà Đặng Bích Ngọc phân tích, nhà giáo là những người có chuyên môn sâu, việc tham gia điều hành doanh nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm khoa học có giá trị kinh tế đồng thời tăng thu nhập cho giảng viên.
Quy định này hỗ trợ các trường đại học chủ động trong hoạt động kinh tế, giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Việc bổ sung quy định này phù hợp với Nghị quyết số 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà giáo chưa quy định rõ giới hạn thời gian, tỷ lệ phân bổ công việc hoặc tiêu chí đánh giá hiệu quả kép giữa giảng dạy và kinh doanh; do đó bà Đặng Bích Ngọc đề nghị, bổ sung quy định về việc nhà giáo chỉ được tham gia quản lý doanh nghiệp nếu được cơ sở giáo dục phê duyệt và không vượt quá thời gian làm việc theo quy định.
Nên quy định cụ thể thời gian được tham gia quản lý doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng lạm dụng thời gian làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy; ưu tiên lĩnh vực gắn với chuyên môn giảng dạy để tránh lạm dụng danh nghĩa nhà giáo với mục đích kinh doanh thương mại thuần túy.
Thứ ba, về tuyển dụng nhà giáo Điều 14, theo nữ đại biểu đoàn Hòa Bình, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo được phân định theo từng loại hình cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đại học ngoài công lập, lực lượng vũ trang về cơ bản là phù hợp với thực tiễn quản lý giáo dục và xu hướng phát triển, phân cấp, phân quyền, tự chủ như hiện nay.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, bà Đặng Bích Ngọc nhận thấy, nhu cầu điều chuyển giáo viên giữa các trường trong cùng hệ thống, đặc biệt là ở bậc mầm non, tiểu học và THCS là phổ biến, do yêu cầu cân đối đội ngũ, tránh dôi dư cục bộ hoặc thiếu hụt cục bộ.
Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều phối nguồn nhân lực và phối hợp với người đứng đầu cơ sở giáo dục khi tuyển dụng, điều chuyển trong trường hợp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Nếu chỉ quy định tuyển dụng cho hiệu trưởng khi đáp ứng đủ điều kiện mà không có cơ chế phối hợp hoặc phân quyền rõ ràng sẽ xảy ra tình trạng cục bộ thiếu gắn kết trong hệ thống. Quá trình điều chuyển giáo viên giữa các trường sẽ gặp nhiều khó khăn vì yêu cầu điều kiện tuyển dụng giữa các trường có thể sẽ khác nhau. Mặt khác, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước mới có quyền điều chuyển giáo viên giữa các trường.
Vì vậy, trong quá trình điều chuyển giáo viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Theo dự thảo, cụm từ "nếu đáp ứng đủ điều kiện do Bộ GD&ĐT quy định" còn chung chung. Do đó, bà Đặng Bích Ngọc đề nghị, bổ sung đối tượng là các cơ sở giáo dục công lập hoạt động theo mô hình đặc thù, thí điểm hoặc liên kết quốc tế việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thành lập, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu về chất lượng đặc thù.
Một giờ học tại điểm trường Vân Hán (Trường Tiểu học số 1 Vân Hán (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
Khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo thường xuyên
Ngoài ra, theo đại biểu đoàn Hòa Bình, việc đánh giá, xếp loại giáo viên là quá trình quan trọng, giúp xác định năng lực giảng dạy, hỗ trợ cho việc phát triển chuyên môn, đồng thời tạo điều kiện để khen thưởng hoặc kỷ luật một cách công bằng.
Dự thảo luật lần này quy định việc đánh giá đối với một nhà giáo là được đánh giá một lần vào cuối năm học. Nội dung đánh giá theo tiêu chuẩn do Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tiễn, bà Đặng Bích Ngọc còn băn khoăn về nội dung này.
Theo bà Ngọc, giáo viên là viên chức sẽ thực hiện trình tự, thủ tục đánh giá theo Luật Viên chức. Giáo viên có đặc thù nghề nghiệp riêng với những yêu cầu đặc thù về kỹ năng sư phạm, phẩm chất đạo đức và năng lực dạy học. Do đó, việc chỉ áp dụng quy định chung của Luật Viên chức có thể không phản ánh hết những tiêu chí đặc thù của nghề nhà giáo.
Ngoài ra, nội dung đánh giá giáo viên theo chuẩn nhà giáo do Chính phủ quy định còn thiếu tính chi tiết, cụ thể, phụ thuộc vào thành tích học sinh mà không xem xét các yếu tố khác có thể gây áp lực không cần thiết, không công bằng đối với giáo viên.
Theo đại biểu đoàn Hòa Bình, vai trò của học sinh và phụ huynh trong nội dung đánh giá đối với giáo viên tại các thông tư còn hạn chế. Sự đóng góp ý kiến của học sinh và phụ huynh sẽ giúp đánh giá đa chiều, cung cấp cái nhìn toàn diện, trực quan hơn về năng lực và cách tiếp cận giảng dạy của giáo viên.
Bởi vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc đến việc triển khai các khảo sát định kỳ hoặc các buổi họp để học sinh và phụ huynh có thể góp ý về chất lượng giảng dạy của giáo viên.
Đồng thời, các ý kiến này cần được xử lý bảo mật để không ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Thực tế, khi chúng ta có chính sách tốt nhất đối với đội ngũ nhà giáo, thì song hành với đó cũng cần đặt ra những chuẩn mực và yêu cầu cụ thể.
Qua đó, nhằm khuyến khích giáo viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và cập nhật tri thức mới. Chỉ khi đội ngũ giáo viên thực sự chủ động, sáng tạo trong công tác giảng dạy, thì chất lượng giáo dục mới được nâng cao một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập của thời đại.
Theo bà Đặng Bích Ngọc, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, xây dựng nhân cách và định hướng giá trị sống cho học sinh. Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, công nghệ thay đổi từng ngày, nếu giáo viên không kịp thời thích ứng và đổi mới, sẽ khó có thể truyền tải được những kiến thức thiết thực, hấp dẫn đối với học sinh. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cũng cần phải khuyến khích và rất mong sẽ được xem xét và nghiên cứu nội dung này.
Minh Phong