Ngành Sư phạm Hàn Quốc bị giới trẻ quay lưng

Ngành Sư phạm Hàn Quốc bị giới trẻ quay lưng
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh: Getty Images
Ba năm trước, khi bước chân vào một trường đại học sư phạm tại Hàn Quốc, Choi, một nam thanh niên 23 tuổi, tin rằng mình đang chọn một con đường sự nghiệp danh giá và ổn định. Với anh, nghề giáo không chỉ là một công việc mà còn là sứ mệnh có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Tuy nhiên, hiện tại, Choi đang chuẩn bị thi lại kỳ tuyển sinh đại học toàn quốc để theo đuổi ngành dược, sau khi xin bảo lưu khỏi chương trình sư phạm. Lý do: anh thất vọng sâu sắc trước sự xuống cấp về địa vị và quyền lực của nghề giáo.
“Giáo viên không còn được giảng dạy như trước”, Choi chia sẻ. “Họ liên tục bị nghi ngờ, giám sát và thiếu tôn trọng. Lớp học ngày càng khó kiểm soát, và giáo viên phải đối mặt với những tranh cãi - cả bằng lời nói lẫn pháp lý - từ học sinh và phụ huynh.”
Nỗi băn khoăn của Choi phản ánh mối lo chung của nhiều người trẻ Hàn Quốc. Từng là một nghề danh giá, giáo viên ngày nay dường như đã mất dần sức hút và uy tín. Hệ quả rõ ràng: các trường đại học sư phạm đang chật vật trong công tác tuyển sinh.
Theo số liệu từ Học viện Jongro, điểm đầu vào các trường cao đẳng sư phạm cho năm học 2025 đã rơi xuống mức thấp kỷ lục. Một số chương trình đặc biệt chấp nhận thí sinh có điểm trung bình phổ thông thấp tới bậc 7, theo hệ thống đánh giá chín cấp bậc của Hàn Quốc (bậc 1 là điểm cao nhất).
Ngay cả trong các kỳ tuyển sinh chung vốn dành cho học sinh có thành tích cao, nhiều thí sinh đạt điểm trung bình cấp 6 cũng được nhận.
Ông Im Sung-ho, Hiệu trưởng Học viện Jongro, nhận định: “Việc các thí sinh đạt trung bình bậc 6 trúng tuyển trong kỳ thi chung là điều hiếm thấy trước đây, cho thấy sự suy giảm mạnh mẽ về mối quan tâm đến nghề giáo, kể cả từ học sinh có học lực khá.”
Đáng chú ý, tình trạng này diễn ra dù nhiều trường đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh, điều lẽ ra phải khiến điểm chuẩn tăng. Thay vào đó, điểm chuẩn cả ở các đợt tuyển sinh sớm và chính quy đều giảm.
Tại Đại học Sư phạm Quốc gia Chuncheon, điểm chuẩn GPA giảm từ 4,73 xuống 6,15. Trường Gwangju hạ điểm Suneung từ nhóm đầu xuống giữa bậc 4. Ngay cả trường sư phạm danh giá nhất Seoul cũng giảm chuẩn từ 1,97 xuống 2,10.
Lâu nay, mức lương thấp và khối lượng công việc cao vốn là rào cản lớn đối với nghề giáo. Nay, sự xói mòn quyền lực trong lớp học đang trở thành yếu tố khiến nhiều người trẻ từ bỏ giấc mơ đứng lớp.
Các chuyên gia chỉ ra hàng loạt nguyên nhân: tiền lương trì trệ, chính sách giáo dục thiếu ổn định, gánh nặng hành chính gia tăng và các vụ việc bạo lực trong lớp học. Tất cả đang làm lu mờ hình ảnh nghề giáo từng được xã hội tôn vinh.
“Trước đây, làm thầy cô là để truyền cảm hứng và định hình cuộc đời người khác, đồng thời được xã hội đối xử trân trọng”, Choi nói. “Giờ đây, bước vào lớp học giống đang ra chiến trường với hai tay bị trói.”
Anh cho rằng đây là một nghịch lý nghiêm trọng: "Xã hội kỳ vọng giáo dục mang lại những kết quả xuất sắc, nhưng lại đang dần đánh mất những người có khả năng thực hiện điều đó."
Theo Korea Herald
N. THANH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/doi-song/nganh-su-pham-han-quoc-bi-gioi-tre-quay-lung-132906.html