Nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là người hành nghề đặc thù
"Luật Nhà giáo năm 2025 là luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ về vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và các chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh H.Ngọc
Luật khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo. Theo đó, xác lập vị trí pháp lý đầy đủ cho nhà giáo trong cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, “lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng, không chỉ là người lao động theo hợp đồng như trước”.
Luật làm rõ các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Bổ sung quyền đối với nhà giáo đại học được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học, hưởng các chính sách ưu đãi trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, luật hóa quy định về đạo đức nhà giáo với các quy tắc ứng xử cụ thể trong quan hệ với người học, đồng nghiệp, gia đình học sinh và xã hội.
Luật xác định trách nhiệm nêu gương là một phần không thể tách rời trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo - thể hiện qua sự mẫu mực, liêm chính, tận tâm trong giảng dạy và ứng xử xã hội.
Quy định rõ quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm và cơ chế xử lý nghiêm minh với các hành vi xúc phạm nhà giáo, bao gồm cấm cá nhân, tổ chức phát tán thông tin quy kết nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Đây là điểm nhấn quan trọng nhằm bảo vệ nhà giáo và giữ gìn môi trường học đường an toàn, văn minh.
Việc giáo viên có dạy thêm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là mức lương. Có thầy cô rất tâm huyết, sẵn sàng dạy miễn phí, có người nhận phí mang tính tượng trưng để phụ huynh yên tâm hơn. Đồng lương chỉ là một trong những yếu tố thôi. Việc xếp lương cao là một phần trong nỗ lực tôn vinh, bảo vệ danh dự nhà giáo, đi đôi với đó là trách nhiệm và sự cống hiến ngày càng cao hơn của đội ngũ này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phạm Ngọc Thưởng
Giao thẩm quyền cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo
Luật Nhà giáo cải thiện các chính sách về thu nhập đối với nhà giáo. Trong đó, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Điều 23, Luật Nhà giáo quy định "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến tiền lương của nhà giáo bảo đảm chủ trương "xếp cao nhất".
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để bảo đảm có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực.
Theo dự kiến, Bộ tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV... để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác, đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Ngoài ra, theo quy định của Luật, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động... góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.
Luật bổ sung các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao vào công tác tại ngành giáo dục. Mở rộng và hợp nhất hệ thống chính sách hỗ trợ, trong đó nhấn mạnh: hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà cho giáo viên tại vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp sức khỏe định kỳ, đào tạo - bồi dưỡng nghề nghiệp cho tất cả nhà giáo, không phân biệt công lập - ngoài công lập.
Ưu tiên trong tuyển dụng, điều động, tiếp nhận đối với nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Thu hút người có trình độ cao, kỹ năng nghề giỏi tham gia giảng dạy, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục nghề nghiệp.
Giáo viên mầm non nữ có nguyện vọng thực hiện nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 năm mà không bị giảm lương hưu (nếu đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội). Trong khi đó, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc nhà giáo làm việc trong lĩnh vực đặc thù được nghỉ hưu tuổi cao hơn để giữ chân người tài.
Luật Nhà giáo quy định chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục.
Luật hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp) thành một hệ thống chức danh gắn với chuẩn năng lực nghề nghiệp, áp dụng thống nhất cho cả công lập và ngoài công lập. Quy định này nhằm tạo mặt bằng chất lượng chung cho toàn bộ đội ngũ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cho học sinh; tăng tính minh bạch, dễ tiếp cận trong đánh giá, tuyển chọn và đào tạo nhà giáo.
Luật cũng quy định tuyển dụng nhà giáo phải gắn với thực hành sư phạm, bảo đảm đầu vào chất lượng, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo. Bên cạnh quyền được bảo vệ, nhà giáo cũng có trách nhiệm giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. Việc quy định rõ về chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp góp phần nâng cao vị thế nhà giáo, đồng thời giữ vững chuẩn mực sư phạm trong môi trường giáo dục.
Luật quy định đầy đủ hơn về chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập làm căn cứ để bổ sung, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành giáo dục.
Các quy định mang tính chất đặc thù của ngành mà viên chức các ngành, lĩnh vực khác không có như điều động, thuyên chuyển vừa giúp giải quyết bài toán thừa thiếu cục bộ nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông giai đoạn vừa qua, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ.
Đáng lưu ý, luật giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Thống nhất giao thẩm quyền cho ngành giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo.
Luật giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
“Việc giao thẩm quyền cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là bước điều chỉnh quan trọng nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn" về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo gồm 3 nghị định và gần 20 thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ liên quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) để kịp ban hành và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Luật Nhà giáo vào ngày 1/1/2026.
Anh Thảo