Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai: Không đợi đủ điều kiện mới thực hiện

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai: Không đợi đủ điều kiện mới thực hiện
7 giờ trướcBài gốc
Học sinh thi nói tiếng Anh trực tiếp với giáo viên nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+).
Việc triển khai đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học phải dựa vào ưu điểm, thuận lợi, đặc thù của các địa phương, không dàn hàng ngang, không đợi đủ điều kiện mới thực hiện.
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại hội thảo tham vấn giải pháp triển khai đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, 18/7, tại Hà Nội.
Cần đảm bảo nhiều điều kiện
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết: đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một nội dung trọng tâm trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Sau khi Kết luận được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến để triển khai đề án đồng thời gửi lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện đề án trình Chính phủ
Dự thảo đề án nêu rất rõ những giải pháp hết sức căn cơ như phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế thực hiện, điều kiện phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyển đổi phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc tại hội nghị. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, Tiến sỹ Victoria Clark, Hội đồng Anh nhận định một chính sách chỉ hiệu quả khi triển khai đúng cách. Điều đó đồng nghĩa với việc giải quyết các bài toán về năng lực giáo viên; sự đồng bộ giữa chương trình học, phương pháp giảng dạy và đánh giá; phối hợp triển khai chính sách; truyền thông và sự đồng thuận của các bên liên quan; các chỉ số và khung đánh giá chất lượng; hệ thống đánh giá và giám sát.
Từ góc nhìn thực tế cơ sở, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cần Thơ cho hay để đề án được triển khai hiệu quả, các địa phương cần có 3 tốt: người dạy có năng lực tốt, người học có nhận thức tốt và môi trường học tập tốt. Trong đó, giáo viên phải đóng vai trò truyền thụ, truyền cảm hứng.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Võ Thị Minh Duyên đề xuất cần tăng cường đào tạo giáo viên một cách linh hoạt như ưu tiên đào tạo giáo viên tại chỗ, cử đi học hay thí điểm mô hình bồi dưỡng giáo viên để nâng cao trình độ giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh trong các nhà trường.
Bên cạnh đó, cần xây dựng học liệu phù hợp với văn hóa, cuộc sống, địa phương, tạo sự gần gũi, hứng thú cho học sinh trong việc học tiếng Anh và có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho giáo viên, học sinh vùng khó khăn.
Triển khai trước ở nơi thuận lợi, không đợi đại trà
Hiện một số địa phương đã có nhiều giải pháp để tăng cường dạy tiếng Anh trong trường học.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cũng cho biết ngành giáo dục Nghệ An đã chủ động xây dựng đề án về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Đề án này được xem là 1 trong 6 đề án trọng tâm của tỉnh được thực hiện trong thời gian tới.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều đại biểu trong và ngoài nước. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
Qua thực tế triển khai, ông Dũng cho rằng, các thể chế, chính sách cần được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, có lộ trình, mục tiêu rõ ràng và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc đồng thời mở rộng các cơ chế về hợp tác, liên kết để triển khai thuận lợi, toàn diện và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết địa phương này đã đã xây dựng các kho học liệu tiếng Anh, đưa AI vào trong giảng dạy, giúp học sinh phát triển các kỹ năng thông qua các nền tảng công nghệ. Thành phố cũng triển khai đề án đa dạng hóa tiếng Anh vào trong nhà trường bằng cách dạy môn Toán, Tiếng Anh, Khoa học với người nước ngoài 100%. Hiện có 68 trường học đã triển khai đề án này.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo việc triển khai phải dựa vào ưu điểm, thuận lợi, đặc thù của các địa phương, không dàn hàng ngang, không đợi đủ điều kiện mới thực hiện.
Thứ trưởng lưu ý với Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân công chuẩn bị tổ chức hội nghị triển khai đề án ngay sau khi đề án được Thủ tướng phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xây dựng các nội dung thuộc về thể chế, chính sách.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động hơn, sẵn sàng ban hành các chính sách, chế độ cho người học, người dạy, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-hai-khong-doi-du-dieu-kien-moi-thuc-hien-post1050390.vnp