Luật sư của Chủ tịch Công ty Thái Dương đề nghị xác định lại thiệt hại trong vụ án khai thác đất hiếm

Luật sư của Chủ tịch Công ty Thái Dương đề nghị xác định lại thiệt hại trong vụ án khai thác đất hiếm
4 giờ trướcBài gốc
Chiều 14.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm xảy ra tại Công ty Thái Dương và các đơn vị liên quan.
Luật sư đề nghị xác định lại thiệt hại
Tại phiên tòa, bị cáo Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương) nhận trách nhiệm của người đứng đầu và đề nghị HĐXX xem xét tới điều kiện, bối cảnh khách quan dẫn đến hành vi phạm tội, qua đó cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Theo luật sư Vũ Thị Nga (người bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Huấn), trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Đoàn Văn Huấn đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; trong quá trình điều tra và chuẩn bị xét xử, bị cáo Huấn đã nhờ gia đình khắc phục hậu quả.
Bị cáo Đoàn Văn Huấn khai báo tại tòa - Ảnh: M.H
Qua đánh giá hồ sơ vụ án cùng lời khai của bị cáo tại tòa, luật sư Nga đề nghị HĐXX xác định giá trị khoáng sản mà nhà nước bị thiệt hại do hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản theo giá trị khoáng sản nguyên khai; xem xét xác định lại số tiền thu được từ việc bán quặng đất hiếm và quặng sắt; định giá lại các tài sản là máy móc, thiết bị, ô tô, hàng hóa… tại mỏ đất hiếm của Công ty Thái Dương…
Trước đó, trong phần luận tội, VKS đã đề nghị HĐXX buộc bị cáo Đoàn Văn Huấn phải nộp hơn 712 tỉ đồng; buộc Công ty Thái Dương có trách nhiệm xử lý, khắc phục toàn bộ số lượng chất thải đã bị đổ, xả trái phép tại mỏ Yên Phú…
VKS đề nghị HĐXX xử phạt Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương) từ 12 -15 năm tù (tổng hợp hình phạt 3 tội danh: Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Gây ô nhiễm môi trường).
Luật sư: Việc ký cấp phép không xuất phát từ động cơ tư lợi
Bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc, luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết vai trò của ông Ngọc trong vụ án chỉ dừng lại ở việc ký cấp phép - một nhiệm vụ mang tính thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ đầy đủ từ các cấp dưới, không trực tiếp dẫn đến thiệt hại.
Theo phân tích của luật sư Tú, thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi khai thác trái phép của Công ty Thái Dương, xảy ra sau khi ông Ngọc đã nghỉ hưu và không còn chịu trách nhiệm quản lý. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét mức độ không đáng kể trong vai trò của bị cáo đối với hậu quả vụ án, từ đó phân hóa trách nhiệm và giảm nhẹ hình phạt theo quy định của pháp luật.
Cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc tại tòa - Ảnh: M.H
Với nội dung trong giấy phép cấp, luật sư hiểu rằng nếu doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định trong giấy phép thì không thể xảy ra sai phạm hay gây thất thoát tài nguyên của Nhà nước.
Luật sư Tú nhận thấy các điều kiện trong giấy phép đều được thiết lập chặt chẽ để đảm bảo rằng toàn bộ quy trình khai thác và chế biến được thực hiện đúng theo định hướng của Nghị quyết 02/TW, tức là không xuất khẩu khoáng sản thô mà phải gắn với chế biến sâu, nhằm tối ưu hóa giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên, đồng thời hạn chế nguy cơ thất thoát lợi ích quốc gia.
Theo luật sư Tú, cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc không có động cơ cá nhân, chỉ có động cơ xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đất hiếm cho Tổ quốc; không vụ lợi.
Khi vụ án xảy ra và cho đến hiện nay, luật sư Tú cho biết ông Ngọc đã sớm nhận thức sai phạm và rất hối hận. Vì vậy, bị cáo đã hợp tác tích cực và nghiêm túc với CQĐT, VKS và tại phiên tòa để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Quang cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án khai thác đất hiếm xảy ra tại Công ty Thái Dương - Ảnh: M.H
Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT) bị VKS đề nghị xử phạt từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo VKS, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, các bị cáo phải là người tham mưu, “gác cổng” cho Chính phủ, cho UBND tỉnh Yên Bái về việc cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa đủ điều kiện, nhưng ngược lại, các bị cáo biết Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện khai thác nhưng vẫn cấp phép.
Tuy nhiên, VKS cũng ghi nhận việc bị cáo Nguyễn Linh Ngọc và các bị cáo ở Bộ TN-MT thừa nhận hành vi sai phạm, mỗi bị cáo có vị trí nhất định nhưng đều tự nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho cấp dưới.
Nhật Anh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/luat-su-cua-chu-tich-cong-ty-thai-duong-de-nghi-xac-dinh-lai-thiet-hai-trong-vu-an-khai-thac-dat-hiem-232582.html